“7 giờ 15
phút sáng ngày 6/6/2015, Tàu thăm dò Dầu khí Tân Hải 571 của tập đoàn
Dầu khí Hải Dương Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam, ở khu vực tây nam đảo Phú Quý (Bình Thuận), cách đảo vào
khoảng 20 hải lý và bờ chừng 40 hải lý (nằm giữa bờ và đảo). Lực lượng
chức năng Việt Nam đã huy động 06 tàu ra giám sát chặt. Tuy nhiên do
chiếc tàu đang di chuyển và chưa có hoạt động tác nghiệp nào nên lực lực
lượng chức năng Việt Nam vẫn dừng ở mức theo dõi. Vùng biển tàu Tân Hải
571 đang di chuyển cũng là vùng biển có các lô dầu khí của Việt Nam với
một số giàn khoan dầu khí của Việt Nam đang hoạt động. 17h cùng ngày,
Tân Hải 571 đã lùi ra xa hơn nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam. Lực lượng chức năng đang tiếp tục theo dõi.”
--------------------------
Khi đọc được thông tin này đã có một lực lượng cmt đông đảo với nội dung “tại sao không bắt giữ tàu của Trung Quốc” cùng một lượng cmt không hề nhỏ chê chính phủ Việt Nam “hèn nhát”, “không dám” phản kháng, đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo….kèm theo đó là những cmt kích động chiến tranh.
Phải nói rằng dân Việt Nam mình rất
yêu nước, yêu biển đảo nhưng lại lười tìm hiểu về luật biển hay những
công ước mà Việt Nam tham gia. Yêu nước không chỉ cần một cái trái tim
nóng mà còn cần một cái đầu lạnh. Chúng ta dựa vào Công ước Luật Biển
1982 để yêu cầu Trung Quốc trao trả các đảo đang chiếm giữ thì chính
chúng ta phải là người tuân thủ công ước này trước tiên.
Theo
Công ước Luật Biển 1982, tàu bè các nước được quyền qua lại vô hại qua
lãnh hải của nước khác. Lãnh hải là khoảng cách 12 hải lý tính từ đường
cơ sở. Nôm na là từ bờ, từ chỗ nước tiếp giáp với đất liền hay từ chỗ
nhô lên khi thuỷ triều xuống. Tàu nước ngoài, kể cả tàu quân sự, nếu
không gây ra các hành động gây hại, đe doạ hòa bình, an ninh trật tự của
quốc gia ven biển thì được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc
gia ấy mà không cần phải xin phép, không bị cản trở, không bị thu lệ phí
và không bị phân biệt đối xử. Riêng tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm
khác buộc phải đi nổi và treo cờ quốc tịch.
Việt Nam tham gia
công ước trên từ năm 1994 và cụ thể hoá các nội dung đó vào Luật Biển
Việt Nam. Tại các điều 23 và 24 quy định cụ thể về các nội dung “Đi qua
không gây hại trong lãnh hải” và “Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua
không gây hại”. Hiện tại google vẫn chưa tính phí nên các bạn có thể
thoải mái tìm hiểu thêm.
Thế nên khi cái tàu dầu khí Tân Hải 517
nó đi cách bờ nhà ta 40 hải lý, tức là đi ngoài lãnh hải, chúng ta
không có quyền bắt giữ hay tấn công. Bắt giữ hay tấn công lúc này đều là
một cái cớ tuyệt vời để Trung Quốc tiến hành chiến tranh hoặc trả đũa.
Người Việt Nam không ngán chiến tranh và sẵn sàng chơi khô máu với Trung
Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Mỗi tấc đất biên giới đều thấm đẫm
máu người Việt Nam, nhưng chiến tranh là biện pháp bất khả kháng cuối
cùng. Nếu hô hào chiến tranh như một cách biểu thị lòng yêu nước thì có
gì đó vừa khôi hài vừa nhẫn tâm. Khôi hài bởi người ta chưa biết như thế
nào là chiến trận. Nhẫn tâm bởi vì chiến tranh luôn đồng nghĩa với chết
chóc, đau thương. Việt Nam mình, nghìn năm Bắc thuộc, 80 năm chống thực
dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc,
chiến tranh biên giới Tây Nam… Vậy chưa đủ hay sao ?
Cuối cùng
xin mượn câu nói của bác tôi – một tình nguyện quân Việt Nam đã sống và
chiến đấu gần 10 năm trên đất bạn Campuchia: “Chúng tao là những người
lính, chúng tao không sợ chiến tranh, nhưng chúng tao đã chứng kiến đủ
sự khốc liệt và tàn bạo của chiến tranh, 10 năm trên đất bạn, tao không
nhớ mình đã tự tay gói ghém, chôn bao nhiều đứa bạn. Nhiều đứa đến bây
giờ vẫn chưa được về quê mẹ. Thế là quá đủ rồi, cả đời tao chỉ biết cầm
súng bắn nhau, tao không muốn chúng mày phải khổ như tao ngày trước,
chiến tranh là chết chóc. Nếu bây giờ có chiến tranh, cứ để tao đi
trước, tao già rồi, có chết cũng chẳng còn gì hối tiếc, còn tụi bây còn
trẻ, phải sống để xây dựng đất nước, để làm thay những điều chúng tao
không làm được”
Nhật Lệ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét