Để đánh giá một sự kiện, hiện tượng hoặc lĩnh vực hoạt động của xã hội,
người tiếp cận phải có tri thức, có am hiểu nhất định về đối tượng, nếu
không sẽ rơi vào phiến diện, thậm chí tùy tiện, xuyên tạc. Tuy nhiên,
quen thói bịa đặt, vu khống,... các thế lực thù địch và các tổ chức, cá
nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn bất chấp nguyên tắc tối giản này,
mà bài viết của Trần Vũ mới hiệu đính để đăng lại, và BBC tiếng Việt vội
vàng tiếp âm, là một thí dụ...
Cuối năm 2013, gần tới kỷ niệm
ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, trên trang mạng của
một người Việt ở CHLB Đức đăng bài viết nhan đề Nghĩ về một tập san quân
đội của Trần Vũ - người được gọi là nhà văn hiện sinh sống tại Texas -
Mỹ. Vì bài viết nhằm vào phê phán hai ấn phẩm báo chí của QĐND Việt Nam,
đánh giá theo hướng tiêu cực về một số chiến thắng của QĐND Việt Nam,
gợi lên cái ý tưởng coi QĐND Việt Nam như đang thiếu trách nhiệm với
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (?) nên một số trang mạng của các thế lực thù
địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam vội khai thác, đăng lại. Thậm
chí, trên website do vài người được gọi là nhân sĩ trí thức lập ra còn
khẳng định đã chọn đăng bài này vì sự bất ngờ sâu sắc, thấm thía cái chủ
đề của người viết, tới khi cảm ơn vẫn không quên nhấn mạnh đó là một
bài viết tuyệt vời.
Sau khi bài của Trần Vũ xuất hiện, một
blogger có nick là Đông A Đoàn đã công bố một entry, trong đó: cảm thấy
thương hại cho sự ngu dốt của tác giả Cái ngu thứ nhất, lồ lộ ra ngay là
tác giả so sánh báo điện tử Quân đội nhân dân với các tập san như
Journal Militaire của Pháp hay Militr-Wochenblatt của Đức (toàn là tập
san từ 1942 trở về trước), chê trách báo Quân đội nhân dân không chú
trọng chức năng trí tuệ vì không như các tập san kia đưa các bài về xạ
thuật, chiến thuật, học thuyết chiến tranh, phương pháp đối phó với xung
đột,... Về các tập san tác giả dẫn ra để so sánh không phải là báo, tác
giả lại phong cho báo điện tử Quân đội nhân dân - vốn mang tính chất
truyền tải thông tin phổ thông tới người đọc phổ thông là Tập san Quân
đội nhân dân Việt Nam, một kiểu đánh tráo khái niệm, cố làm cho lập luận
ngu dốt của anh ta thêm phần chắc chắn. Chức năng chủ yếu của tờ báo là
thông tin thời sự, còn những tập san kia là các bài viết mang tính học
thuật, ở Việt Nam giờ là tạp chí. Riêng trong QĐND Việt Nam hiện có hàng
chục tạp chí của các quân chủng, binh chủ, quân khu, quân đoàn... và
những thứ mà tác giả gọi là trí tuệ đều nằm trong đó. Chẳng ai mang lên
báo cho bàn dân thiên hạ và cả thế lực thù địch cùng xem. Nhưng cũng có
thể thông cảm một điều, tác giả làm sao mà tiếp xúc được với những tạp
chí của QĐND Việt Nam? Còn việc tác giả khẳng định phương châm lấy ít
địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn chỉ là khẩu ngữ viết cho tranh cổ động,
Ngay trong chiến tranh Việt - Pháp, Quân đội nhân dân luôn dụng nhiều
đánh ít. Vậy đó, những kẻ kêu gào QĐND Việt Nam sử dụng chiến thuật biển
người, không hiểu thế nào là tạo thế, tạo lực. Từ trước đến nay, QĐND
Việt Nam thường chiến thắng vì được học và áp dụng linh hoạt nguyên tắc
tập trung lực lượng cho hướng tiến công chủ yếu, trận đánh then chốt,
chính vì thế những trận đánh mà tác giả nêu ra làm thí dụ lực lượng QĐND
Việt Nam bao giờ cũng lớn hơn đối phương, mặc dù xét từ tổng thể thì
bao giờ QĐND Việt Nam cũng kém xa đối phương cả về nhân lực lẫn vật
lực... Nói chung, những kẻ không có kiến thức quân sự mà lại viết về
quân sự toàn là những kẻ bại não (Đã biên tập ngắn gọn và xin lỗi bạn
đọc nếu đoạn trích còn một số câu chữ có thể làm bạn đọc không vừa ý).
Rộ lên ít ngày, bài viết của Trần Vũ rơi vào quên lãng, không còn ai
nhắc đến. Phải chăng vì Đông A Đoàn đã chỉ rõ mục đích đen tối, thủ đoạn
xảo quyệt, tri thức kém cỏi của Trần Vũ? Nhưng, không biết vì thấy bài
viết tuyệt vời lại không có tiếng vang cho nên Trần Vũ bức xúc, hay là
anh ta muốn sử dụng sản phẩm này để chứng minh tính xác thực của câu
thành ngữ điếc không sợ súng, cho nên lọ mọ hiệu đính, và tháng 5-2015,
cho đăng lại trên trang mạng của một nhóm người Ô-xtrây-li-a gốc Việt
với nhan đề mới toanh... Nghĩ về các báo quân đội Và lập tức, không cần
biết Nghĩ về các báo quân đội chỉ là thứ trà thiu hâm lại, một số trang
mạng của các thế lực thù địch với Việt Nam đã thi nhau đăng tải. Riêng
trang BBC tiếng Việt thì hí hửng như vớ được vàng, vội vã tái chế sản
phẩm của Trần Vũ để làm ra bài Việt Nam đang thiếu thảo luận quân sự
công bố ngày 11-6-2015.
Tiếp xúc với câu văn có tính tiên đề mà
Trần Vũ sử dụng để mở đầu và nhắc lại nhiều lần trong bài viết, đã thấy
một sản phẩm tư biện, đó là: Nhìn vào một tập san quân đội, trông thấy
sức mạnh của quân đội ấy. Bởi, sức mạnh của một quân đội là tổng hòa của
rất nhiều yếu tố: từ tiềm lực kinh tế của đất nước, vũ khí trang bị,
khả năng, trình độ và nghệ thuật tác chiến, khả năng bảo đảm hậu cần, sự
thống nhất, tính đồng bộ, đặc biệt là bản chất chính trị tiến bộ hay
phản tiến bộ và yếu tố con người,... mà một tập san quân sự dẫu có ba
đầu sáu tay cũng không thể khái quát. Dẫn ra hai tập san thuần túy quân
sự của Đức, Pháp xuất bản từ những năm 40 của thế kỷ trước, Trần Vũ tự
bộc lộ anh ta chỉ là một kẻ cuồng vũ khí luận có thể lòe người cả tin,
song không thể lòe người có am hiểu tối thiểu thế nào là sức mạnh của
một quân đội. Tâm đắc với hai tập san, Trần Vũ không bận tâm tới thất
bại của chính hai quân đội mà anh ta từng khẳng định sức mạnh chỉ qua
mấy cuốn tạp chí Anh ta tấm tắc đạt đến sức mạnh tối ưu, quân đội Đức
làm nên những chiến thắng sấm sét: Sedan 1870, Tannenberg 1914, Sedan
1940, Kiev 1941, Sébastopol 1942 và Tobrouk cùng năm, nhưng tảng lờ thất
bại có tính chất quyết định của quân đội này trong chiến dịch
Stalingrad, không chiến ở Anh, chiến dịch Bắc Phi, chiến dịch
Ardennes,... Tương tự là các thất bại của quân đội Pháp trong chiến
tranh thế giới lần thứ hai dẫn đến việc nước Pháp rơi vào tay Đức quốc
xã, nhất là thất bại trong các chiến dịch do quân đội Pháp tiến hành ở
Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1954, nổi lên là thất bại ở Điện Biên Phủ.
Nếu cái tiên đề nhìn vào một tập san quân đội, trông thấy sức mạnh của
quân đội ấy thật sự có ý nghĩa, chắc chắn là các quân đội mà Trần Vũ ca
ngợi đã không phải nhận quá nhiều thất bại cay đắng.
Như Đông A
Đoàn chỉ rõ, trong bài viết Trần Vũ còn gian lận, đánh tráo khái niệm
bằng cách so sánh mấy tập san xuất bản từ hơn nửa thế kỷ trước, trong đó
có tập san đã đình bản từ năm 1942, với báo Quân đội nhân dân, tạp chí
Quốc phòng toàn dân, sau khi hiệu đính còn bổ sung thêm tạp chí Lịch sử
quân sự Người tỉnh táo, không ai so sánh mấy tập san thuần túy thuộc
lĩnh vực quân sự với website một tờ nhật báo, một tạp chí xuất bản hằng
tháng. Dù muốn tiếp cận để phục vụ mục đích xấu thì Trần Vũ vẫn phải tìm
hiểu chức năng, nhiệm vụ của các ấn phẩm này, chứ không thể lướt web
rồi phán bừa. Về bài viết của Trần Vũ, Đông A Đoàn phải dùng đến hai chữ
ngu dốt cũng không quá lời, vì Trần Vũ hoàn toàn không biết về hệ thống
tạp chí, nội san nghiên cứu dành riêng cho lĩnh vực quân sự của QĐND
Việt Nam. Đó là những ấn phẩm để trình bày và thảo luận lý luận quân sự;
công bố kết quả nghiên cứu khoa học quân sự; đề xuất kế hoạch tác chiến
trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; các cách thức tổ chức chiến dịch;
nghệ thuật phòng ngự và phản công; phối hợp tác chiến giữa các quân
chủng, binh chủng trong chiến tranh hiện đại,... trong đó có nội dung là
bí mật quốc gia không thể công bố. Ngay tại phương Tây - nơi vũ khí
luận rất được sùng bái, thì các nội dung như vậy cũng không bao giờ công
bố trên báo chí, nhất là ở thời kỳ các bên tham chiến đều sử dụng vũ
khí công nghệ cao, tác chiến điện tử. Trên thực tế, những ấn phẩm này là
diễn đàn tạo điều kiện để các nhà khoa học gồm nhiều thế hệ của QĐND
Việt Nam thảo luận, đóng góp trí tuệ cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc.
Đọc bài viết của Trần Vũ, có thể hình dung mục
đích của anh ta là gì. Vì sau khi trình diễn sự ngu dốt, rốt cuộc anh ta
nhằm tới câu hỏi vừa khiêu khích, vừa kích động: Vì sao tiếng nói của
các sĩ quan trẻ ưu tú đang quan tâm đến tình hình đất nước không được
cất lên trên chính diễn đàn của họ? Câu hỏi này đã chứng tỏ Trần Vũ chưa
hề đọc báo Quân đội nhân dân một cách có hệ thống. Hằng tuần, tờ báo
này đều có trang dành riêng cho thế hệ trẻ trong QĐND Việt Nam, như:
trang Ý kiến chiến sĩ; trang Tuổi trẻ với Tổ quốc có mục Tình yêu chiến
sĩ; trang Tiếp lửa truyền thống với các mục Tuổi trẻ đồng hành, Cuộc
sống trang viết, Hiện vật biết nói,... Thế hệ trẻ trong QĐND Việt Nam,
trong đó có các sĩ quan trẻ, luôn có tiếng nói của họ trên báo Quân đội
nhân dân, chỉ có điều suy nghĩ tâm huyết của họ hoàn toàn đối lập với
những gì Trần Vũ mong muốn.
Tâm huyết với đất nước, thế hệ trẻ
vừa nói lên tâm tư, khẳng định ý chí của mình, vừa thể hiện bằng hành
động cụ thể khi quên mình cứu dân trong mưa lũ, đến vùng sâu, vùng xa
cùng nhân dân xóa đói, giảm nghèo, đêm ngày trụ giữa Trường Sa đối diện
với hiểm nguy và tự nhiên khắc nghiệt để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc,...
Đấy là những công việc mà người như Trần Vũ không dám, không thể và
không bao giờ làm được. Không có liêm sỉ đối diện sự thật, Trần Vũ chỉ
làm nổi một công việc là tiếp tay cái xấu, cho nên bài viết của anh ta
đặt tên thế nào cũng chỉ là vệt kéo dài của lối viết lạnh lùng ráo
hoảnh, táng tận lương tâm, bất bình thường như Thụy Khuê từng nhận xét
về văn chương của anh ta. Vậy mà những người ở BBC tiếng Việt lại hí
hửng đăng lại bài viết của Trần Vũ rồi hô hào thảo luận. Đáng tiếc là
diễn đàn của một số nhân sĩ trí thức lại tán thưởng ý kiến kỳ quặc, phi
hiện thực của Trần Vũ.
HỒNG QUANG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét