Trước việc ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành) có
đơn đề nghị làm rõ quá trình và căn cứ cấp sổ đỏ mảnh đất gắn với tòa
dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương người H’Mông ở Hà Giang, ngày 24/7 ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang, đã có công văn trả lời.
Trong văn bản này, lãnh đạo Sở Tài nguyên dẫn Quyết
định 937 năm 1993 của Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích kiến trúc
nghệ thuật khu nhà Vương; Quyết định 3316 năm 2006 của UBND tỉnh Hà
Giang về việc quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp
hạng...
Đặc biệt, Sở dẫn khoản 1 điều 98 Luật Đất đai 2003
quy định: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được
xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố quyết định bảo vệ thì phải được
quản lý nghiêm ngặt”. Khoản 1 điều 54 Nghị định 181 về việc
thi hành Luật Đất đai nêu: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam
thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ
chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh”.
Với các viện dẫn trên, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang khẳng định việc
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng
Văn từ năm 2012 là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật”.
Cấp sổ đỏ không có căn cứ pháp lý
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, khẳng định nếu
chỉ dựa vào các căn cứ trên thì việc Sở Tài nguyên Hà Giang cấp sổ đỏ
dinh Vua Mèo cho Phòng Văn hóa Thông tin Đồng văn là sai quy định pháp
luật.
Ông Võ phân tích, Quyết định 937 của Bộ Văn hóa chỉ công nhận dinh họ
Vương là di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia. “Luật Di sản văn hóa
quy định nếu di sản đó của tư nhân thì phải công nhận quyền sở hữu của
tư nhân. Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, trợ giúp để bảo vệ di sản.
Công nhận di sản không đồng nghĩa với quốc hữu hóa”, ông Võ nói.
![]() |
Cổng dinh Vua Mèo tại Sà Phìn. Ảnh: Ngọc Thành.
|
Theo GS Võ, công văn của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang viện dẫn chưa đầy đủ Nghị định 181, thiếu
điều khoản quy định: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa mà di tích lịch
sử, văn hóa đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân” (Khoản 2 điều 54).
“Các căn cứ được nêu trong văn bản đều không chứng tỏ nhà nước đã
thực hiện chính sách đất đai và quốc hữu hóa, chuyển quyền sở hữu dinh
thự, quyền sử dụng đất từ dòng họ Vương sang cho nhà nước”, ông Võ nói.
Về việc họ Vương nhận 500 triệu đồng của nhà nước để chuyển ra ngoài
sinh sống, phục vụ trùng tu di tích năm 2002, ông Võ cho rằng khoản tiền
này không đồng nghĩa với việc nhà nước bồi thường quốc hữu hóa đất.
“Nếu coi đó là bồi thường thu hồi đất thì phải có quyết định và căn cứ
pháp lý”, ông Võ nói.
Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu dinh thự đã hiến cho nhà nước,
có giấy tờ còn lưu giữ thì nhà nước được quyền làm chủ phần đất và tài
sản của người hiến, chứ không được sở hữu tất cả.
“Cấp giấy sổ đỏ dinh Vua Mèo sai cả Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai”, ông Võ khẳng định và cho rằng đủ
cơ sở để Hà Giang xem xét thu hồi sổ đỏ đã cấp cho Phòng Văn hóa Thông
tin Đồng Văn, trả lại quyền sử dụng đất và sở hữu dinh thự cho gia tộc
họ Vương.
Sổ đỏ không có giá trị nếu cấp sai quy trình
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An, cho rằng dinh
thự có nguồn gốc của Vua Mèo, là tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Theo quy
định pháp luật, quyền định đoạt di sản thừa kế do những người thừa kế
quyết định. "Do vậy, cần xem xét việc chuyển giao này có được thực hiện
bởi những người thừa kế của Vua Mèo hay không?", ông Vinh nói
![]() |
Dinh Vua Mèo được xây dựng từ 1898 đến 1903 mới hoàn thành, kinh phí 15.000 đồng bạc hoa xòe. Ảnh: Ngọc Thành.
|
Luật sư Vinh đặt câu hỏi, tại sao những người thừa kế như ông Vương Duy
Bảo lại không biết đất cha ông được cấp sổ đỏ. “Nếu cấp sai quy trình
thì về nguyên tắc sổ đỏ không có giá trị”, luật sư Vinh nhấn mạnh.
Trường hợp con cháu Vua Mèo khước từ quyền thừa kế hay đồng ý chuyển đổi
sang tài sản khác (như nhận tiền) thì phải được sự đồng thuận của tất
cả người có quyền hưởng thừa kế dinh thự. Việc đồng thuận phải được thể
hiện bằng văn bản.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn Luật sư Hà Nội)
cho rằng nếu năm 2002 gia tộc họ Vương chuyển ra ngoài sinh sống để
trùng tu dinh thự thì sau đó được quyền quay lại. Điều 23 Hiến
pháp năm 1992 quy định: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị
quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và
vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường
tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường.
Mặt khác, Luật Di sản văn hóa thừa nhận tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu
hợp pháp di sản văn hóa. Luật Đất đai 2013 và trước đó cũng thừa nhận
và bảo hộ quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nếu trên đất có di
tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. “Bởi vậy, dinh thự họ Vương
là tài sản hợp pháp của dòng họ Vương nên được nhà nước bảo hộ quyền sở
hữu. Nếu dinh thự bị thu hồi trái quy định là vi phạm Hiến pháp”, luật
sư Tú nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét