Bài tham luận thẳng thắn và tâm huyết của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Đại hội XII
đã hoàn thành ngày họp thứ 3 với tinh thần làm việc khẩn trương, khách
quan, trung thực, các ý kiến đóng góp thẳng thắn, thể hiện tư duy và
trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước đã được dư luận trong và
ngoài nước hết sức khen ngợi, một trong số những bài tham luận đáng chú ý
đó chính là bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh – Bộ Trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Có thể nói
rằng mọi sự so sánh là khập khiễng, bởi điểm xuất phát của mỗi dân tộc,
mỗi chặng đường đi và đường lối phát triển của mỗi quốc gia là khác
nhau. Việt Nam là một dân tộc trong quá khứ đã chịu nhiều đau thương, hy
sinh gian khổ trong hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ. Sau
đó lại tiếp tục những cuộc chiến nhỏ nhưng tính khốc liệt vô cùng lớn đó
là cuộc chiến chống quân polpot xâm lược và thực hiện nghĩa vụ quốc tế
tại Campuchia năm 1977 và cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 với
quân xâm lược Trung Quốc. Những cuộc chiến tranh đó đã kéo tụt sự phát
triển của dân tộc Việt Nam không chỉ vài chục năm, mà hậu quả của nó đến
tận ngày hôm nay vẫn chưa khắc phục hết được. Vẫn còn những di chứng
của chiến tranh, vẫn còn những nạn nhân chất độc da cam của thế hệ thứ
hai, thứ ba, vẫn còn những bom mìn còn sót lại, vẫn còn đó những tàn dư
của chế độ cũ đang ngày đêm chống phá, kéo lùi sự phát triển của đất
nước. Trong bối cảnh đó Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó
khăn thử thách, tiến hành công cuộc đổi mới thành công và đưa Việt Nam
phát triển đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng trên nhiều lĩnh
vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Từ một đất nước nghèo nạn, lạc hậu,
đến nay Việt Nam đang từng bước phát triển hội nhập ngày càng sâu rộng
kinh tế quốc tế. Tuy nhiên những vấn nạn trong nền kinh tế vẫn còn tồn
tại và không phải một sớm một chiều, không phải một ai cũng nhìn nhận
đúng vấn đề để có những cách đánh giá và nhận xét phù hơp. Và bài tham
luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
đã đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra đó, đã đánh giá được những hạn chế
và vạch ra được những việc nên làm. Bài tham luận của ông Bùi Quang
Vinh như một sự dốc ruột của ông trước Đại hội XII và được dư luận vô
cùng khen ngợi.
Trong bản tham luận của mình, Ông Vinh khẳng định rằng “Có
lẽ ít ai biết rằng, đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng
nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines
và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu
người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập
bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế
giới, bằng 1/3 Thái Lan”. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng chúng ta
chưa tận dụng được lợi thế so sánh trong việc đẩy mạnh sự phát triển
của Việt Nam, trong khi với những lợi thế sẵn có Việt Nam có thể phát
triển ở trình độ cao hơn, và đời sống người dân ngày nay cũng ở trình độ
cao hơn chứ không phải chỉ vượt qua mốc 2000 USD/người, chỉ là mức thu
nhập trung bình của thế giới. Ông cũng khẳng định “Việt Nam đang ở
trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng, bắt đầu từ
1970, thường kéo dài 50 năm mà khoảng 2020-2025 là hết cơ hội. Như vậy
chỉ còn tối đa 10 năm thời kỳ mà dân số ở độ tuổi lao động cao nhất, sau
đó giảm dần”. Có thể khẳng định rằng đây là những đánh giá chính
xác dựa trên kết quả nghiên cứu và được các chuyên gia trên thế giới và
Việt Nam thừa nhận. Tuy nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay rất đông, nhưng
chủ yếu vẫn là lao động giá rẻ, đào tạo không gắn với nhu cầu của thị
trường, do đó thất nghiệp vẫn còn cao, số lao động trình độ cao vẫn còn
thiếu và vấn nạn chảy máu chất xám vẫn là điều đáng báo động ở Việt Nam
hiện nay. Do đó nếu không giải quyết tốt vấn đề này, chỉ vài chục năm
nữa Việt Nam sẽ bước qua lợi thế về lao động trẻ bởi mức độ già hóa về
lao động ở Việt Nam hiện nay quá nhanh.
Trong bài tham luận của mình, Bộ trưởng Vinh cũng khẳng định “trong
giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về
kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất của
đất nước cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện
nghiêm chỉnh những Nghị quyết của Đại hội toàn quốc. Kiên quyết đổi mới
cơ cấu tổ chức, chức năng hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn
thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố
tiên quyết, quan trọng nhất cho đổi mới tiếp theo. Làm được điều này,
Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, bằng tấm gương tự đổi mới, bằng
sự lãnh đạo hiệu quả của mình với đất nước, dân tộc”. Có thể nói
rằng đây là bài phát biểu vô cùng tâm huyết thể hiện cách nhìn nhận biện
chứng, khách quan và khoa học đối với vấn đề phát triển ở Việt Nam hiện
nay. Trên cơ sở những đánh giá một cách khoa học, biện chứng, ông Vinh
cũng đưa ra những đề xuất với 3 trụ cột trong đổi mới về thể chế kinh tế
ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Những đề xuất của ông Vinh phù hợp với
định hướng và con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lựa
chọn. Những đóng góp trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một bước
chuyển để tạo đà cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới. Hy
vọng sẽ có những phát biểu tâm huyết hơn trên các lĩnh vực khác trong
thời gian tới, chúc Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp.
Trần Ái Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét