11/5/15

Đất lành chim sẽ đậu!

(Dân trí) - Mong rằng nhà nước Việt Nam có những chính sách đãi ngộ phù hợp và quan trọng hơn là tạo một môi trường hoạt động khoa học lành mạnh để ngày càng thu hút được nhiều hơn nữa các trí thức về với quê hương. Muốn “chim về đậu” thì trước hết, đất phải “lành”…


(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)


Phong trào  trí thc trở về xây dựng và bảo vệ quê hương đã từng xuất hiện khá rầm rộ ngay sau ngày đất nước giành được độc lập tháng 8/1945. Những năm sau đó, theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch, hàng loạt những nhà khoa học ưu tú từ các nước, đặc biệt là Pháp đã trở về Tổ quốc, nhiều người trực tiếp tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc và góp phần to lớn cho nền khoa học nước nhà như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của…
Sau năm 1975, tình hình có vẻ như ngược lại, một số nhà khoa học và cả nghiên cứu sinh Việt Nam du học đã tìm cách ở lại nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau, trong đó phần nhiều vì lý do kinh tế, đãi ngộ và cả môi trường khoa học để có thể tiến xa hơn nữa.
Song gần đây, đã có “làn sóng” ngược lại, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân và đặc biệt là các nhà khoa học trở về quê hương góp phần vào nền khoa học kỹ thuật nước nhà.
Trên báo Người Lao động, bài “Đất lành của trí thức” mới đây đã nêu lên một số tấm gương tiêu biểu như PGS-TS Nguyễn Văn Thuận. Sinh năm 1966, đã có 14 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản và 7 năm ở Hàn Quốc, ông Thuận từng có 5 năm làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và làm việc tại Viện Riken (Nhật Bản; 2002-2007), 6 năm giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học động vật tại Đại học Konkuk (Hàn Quốc; 2007-2013).
Năm 2005, GS Huỳnh Hữu Tuệ, giảng viên Đại học Laval - một trong những đại học danh giá nhất của Canada, quyết định về nước. GS Tuệ là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi từ năm 1986, tại Đại học Laval, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực được coi là rất mới mẻ này.
Có lẽ PGS trẻ nhất vừa về nước là TS Lê Thị Lý - sinh năm 1978, giảng viên Bộ môn Hóa sinh ứng dụng, Khoa Công nghệ sinh học Trường Đại học Quốc tế. Chị Lý đã quyết định về Việt Nam sau khi đã đạt học vị tiến sĩ và có nhiều cơ hội làm việc tại Mỹ.
“Chuyên gia thiết kế dược phẩm ở Mỹ có mức lương rất cao. Khi quyết định trở về, tôi cũng có đắn đo và chạnh lòng bởi nếu ở lại Mỹ thì điều kiện làm việc và con cái học hành sẽ tốt hơn. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đã về với mong muốn góp sức để chương trình đào tạo trong lĩnh vực của mình được tốt lên”. TS Lý tâm sự.
Trên đây chỉ là một số trong nhiều nhà khoa học đã trở về nước thời gian qua.
Trong khi đó còn có nhiều nhà khoa học vẫn thường xuyên về Việt Nam để truyền bá kiến thức như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Đàm Thanh Sơn...
Có những nhà khoa học dành gần trọn cuộc đời mình để làm “cầu nối” đưa các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam như GS Trần Thanh Vân.
Tại Gặp gỡ Việt Nam 5, GS Vân đã mời hàng trăm các nhà khoa học lớn trên thế giới tham gia như J. Cronin (Chicago, Giải Nobel), J. Friedman (Cambridge, Giải Nobel), S. Glashow (Boston, Giải Nobel), Lý Chính Đạo (người Mỹ gốc Hoa ở New York, Giải Nobel), C. Rubbia (Geneve, Giải Nobel),..
Ngày 27/4 vừa qua, trả lời báo chí, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ: “Đối với kiều bào, thứ nhất vẫn phải là tinh thần, tư tưởng, tình cảm hướng về Tổ quốc ra sao... Thứ hai là chất xám của trí thức kiều bào. Kiều bào mang chất xám về đây là hữu hiệu nhất, không tiền nào bằng được đâu”.
Vâng, đúng là “không tiền nào bằng được” nên mong rằng sẽ có ngày càng nhiều các nhà khoa học về với Tổ quốc Việt Nam.
Tất nhiên, cũng mong nhà nước Việt Nam có những chính sách đãi ngộ phù hợp và quan trọng hơn là tạo một môi trường hoạt động khoa học lành mạnh để ngày càng thu hút được nhiều hơn nữa các trí thức về với quê hương.
Muốn “chim về đậu” thì trước hết, đất phải “lành”…


Bùi Hoàng Tám

0 nhận xét:

Đăng nhận xét