28/5/15

Nếu Trung Quốc không dừng bồi lấp Trường Sa, Hoa Kỳ sẽ làm gì tiếp theo?

(GDVN) - Nếu Bắc Kinh quân sự hóa nghiêm trọng khu vực này chắc chắn sẽ vấp phải một số phản ứng của Mỹ, cụ thể là gì thời điểm này...
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Bloomberg.
Reuters ngày hôm nay 28/5 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter vừa kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông (khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), ngăn chặn quân sự hóa tranh chấp lãnh thổ và tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh, những nỗ lực bồi lấp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc không hề có sự đồng thuận trong khu vực, máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động như thường trong không phận và vùng biển quốc tế được luật pháp cho phép.
"Hành động của Trung Quốc đang đưa các nước khu vực lại với nhau theo con đường mới. Họ đang ngày càng làm gia tăng nhu cầu sự tham gia của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ đáp ứng nó. Chúng tôi sẽ vẫn là sức mạnh an ninh chủ yếu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới", ông Ash Carter nói.
"Chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình các tranh chấp, các hoạt động cải tạo bồi lấp của bất kỳ bên nào phải được dừng ngay lập tức và lâu dài. Chúng tôi cũng phản đối bất kỳ hành động nào quân sự hóa hơn nữa các thực thể tranh chấp."
"Với những hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đang thực hiện tiêu chuẩn kép đối với kiến trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và khu vực này đồng thuận ủng hộ cách tiếp cận phi cưỡng chế để giải quyết tranh chấp này hay các tranh chấp lâu đời khác", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi.
Xung quanh câu chuyện này, Đài phát thanh Công cộng quốc tế (PRI) hôm qua 27/5 đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia Jeffrey Bader, một học giả nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Brookings, cố vấn chính của Tổng thống Barack Obama về các vấn đề châu Á.
Theo ông, vấn đề quan trọng đang đặt ra là Trung Quốc sẽ làm gì với những đảo nhân tạo mà họ bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Liệu Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để đe dọa các bên yêu sách khác ở Biển Đông hay hoạt động của Mỹ trong khu vực hay không?
Học giả Jeffrey Bader. Ảnh: Brookings.edu
Jeffrey Bader cho biết, không nghi ngờ gì những đảo nhân tạo này sẽ là các căn cứ quân sự. Trung Quốc chắc chắn muốn hạ cánh máy bay trên đó và đã tuyên bố sẽ điều động "một ít quân" ra đồn trú. Nếu Bắc Kinh vẫn khăng khăng không chịu dừng các hoạt động bồi lấp, xây dựng ở Trường Sa, Jeffrey Bader cho rằng một lựa chọn tiếp theo của Hoa Kỳ đã thực hiện rõ ràng thời gian qua là cho máy bay, tàu chiến qua lại hàng ngày. Không phận và vùng biển quốc tế ở Trường Sa có tự do hàng hải, đó là điều bất khả xâm phạm.
Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bất kỳ khiếu nại nào xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng, vì nó trái luật pháp quốc tế. Chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động giám sát, tuần tra hải quân trong khu vực. Đồng thời Washington cũng sẽ tăng cường hơn nữa áp lực ngoại giao và nhấn mạnh vào việc không cưỡng chế ở Biển Đông. Nếu Bắc Kinh quân sự hóa nghiêm trọng khu vực này chắc chắn sẽ vấp phải một số phản ứng của Mỹ, cụ thể là gì thời điểm này Jeffrey Bader chưa thể tiết lộ.
Ông cũng lưu ý, những năm qua Mỹ đã xây dựng quan hệ với các bên tranh chấp khác, trong đó có việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, làm sống lại mối quan hệ quân sự với Philippines. Việc Hoa Kỳ điều động thêm chiến hạm đến khu vực sẽ xảy ra.
Về mặt luật pháp quốc tế học giả Jeffrey Bader lưu ý, 7 rặng san hô, bãi đá ngầm mà Trung Quốc (xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ 1988, 1995 đến nay) đang xây dựng bồi lấp không được hưởng bất kỳ quy chế nào về vùng lãnh hải 12 hải lý chứ chưa nói tới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Một cách tự nhiên, chúng là những bãi đá ngầm, rặng san hô nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Vì vậy theo Công ước, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể cho tàu hải quân, máy bay quân sự đi qua khu vực (12 hải lý) mà không bị giới hạn.

Hồng Thủy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét