Những ký ức về Trận chiến ở Gạc Ma,
Len Đao, Cô Lin vào ngày 14/3/1988 đối với những cựu binh của Hải quân
nhân dân Việt Nam anh hùng và những người con nước Việt vẫn luôn in đậm
những trang sử hào hùng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về truyền thống
quật cường của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng trong chiến dịch
CQ88 – Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trước sự xâm lược của bè lũ
bành trướng phương Bắc.Chị là một người bất hạnh như bao người con khác trong sự trưởng
thành không có sự bàn tay chăm sóc của cha, một chỗ dựa về vật chất và
tinh thần, là cội nguồn của sự vững mạnh. Nhưng chị cũng là người may
mắn và hạnh phúc vô vàn khi có một người cha là một người anh hùng, một
người đã dũng cảm hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
trong cuộc Hải chiến Trường Sa năm 1988. Chị là Đại úy Trần Thị Thu Hà,
con gái của Trung tá, Anh hùng, Liệt sỹ Trần Đức Thông, hy sinh trong cuộc Hải chiến Trường Sa năm 1988 tại bãi đá Gạc Ma. Chị Hà hiện đang công tác tại công an tỉnh Hà Nam.
15/5/15
Câu chuyện Ký ức HQ604 – lá Thư không bao giờ gửi!
Chị Trần Thị Thu Hà – con gái Liệt sỹ Trần Đức Thông hy sinh ngày 14/3/1988
Trong những kỷ niệm của chị về Người cha
anh hùng của mình, mỗi lần nhắc đến ông Chị lại khóc, những ký ức về Cha
lại trỗi dậy như bóng dáng ông vẫn còn đâu đây bên chị những ngày thơ
bé, những lá thư của Cha chị còn lưu giữ bên mình như những báu vật,
những thứ còn sót lại của một người cha thương yêu con hết mực, một
người chồng tận tụy, sắc son, thủy chung với vợ, và một biểu tượng sáng
ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về sự hy sinh lớn lao cho sự toàn
vẹn lãnh thổ máu thịt của Việt Nam.
Anh
hùng, Liệt sỹ Trần Đức Thông sinh năm 1944 tại xã Minh Hòa, huyện Hưng
Hà, tỉnh Thái Bình. Anh nhập ngũ ngày 7 tháng 4 năm 1962. Trong kháng
chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Trần Đức Thông đã trực tiếp tham gia
chiến đấu và phục vụ kháng chiến với nhiều cương vị từ thấp đến cao (thợ
sửa chữa pháo của lữ đoàn 335 phòng không, trạm trưởng sửa pháo của
trung đoàn 227, Quân khu Hữu Ngạn, trợ lý tác chiến Trung đoàn 223, Quân
khu Trị Thiên). Sau giải phóng anh tham gia vào lực lượng Hải quân nhân
dân Việt Nam và công tác cho đến lúc hy sinh tại bãi đá Gạc Ma vào ngày
14/3/1988. Khi
hy sinh anh là trung tá, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải
quân. Anh còn là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh hùng Liệt sỹ Trần Đức Thông
Trong những hồi ức của mình, chị Hà còn
nhớ rất rõ rằng, vào ngày 20/3/1988 chị thấy đài phát thanh phát những
bài hát về biển đảo, chị thấy nóng ruột cồn cào và viết thư gửi cho Bố ở
Trường Sa. Chị không ngờ rằng bức thư này không bao giờ Cha mình có cơ
hội đọc, vì ông đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội trước đó 7 ngày trong
cuộc chiến bảo vệ chủ quyền tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa
của Việt Nam. Chị Hà tâm sự “Cả nhà không biết và cũng không ai
tin ông hy sinh. Bởi vì sau ngày 14/3, cứ cách vài ba ngày, mẹ con tôi
lại nhận được những lá thư ông viết, hỏi thăm tình hình ở nhà, bảo đừng
lo lắng khi ông đi làm nhiệm vụ. Kể cả khi nhà biết tin rồi mà vẫn nhận
được thư”. Cả gia đình chị không thể ngờ rằng Cha của chị là
một người đàn ông vô cùng chu đáo và thương con đã viết rất nhiều lá thư
trước khi ra đảo và dặn đồng đội của mình cứ vài ngày lại gửi cho gia
đình một bức thư để gia đình yên tâm về ông.
Tàu HQ 604 nơi anh hùng Liệt sỹ Trần Đức Thông đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong chiến dịch CQ88
Lúc quân Trung Quốc tấn công dữ dội và
bắn cháy tàu HQ 604 ông vẫn dũng cảm đứng đầu mũi tàu để chỉ huy các
chiến sỹ dũng cảm giữ vững chủ quyền biển đảo và hy sinh anh dũng cùng
chiếc tàu HQ 604. Tấm gương của anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông và 63
chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã hy sinh để bảo vệ chủ
quyền biển đảo trong cuộc Hải chiến Trường Sa năm 1988 sẽ mãi là niềm tự
hào, niềm tin mà con gái anh, gia đình anh, dân tộc các anh tiếp tục
phát huy và gìn giữ. Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm, cả dân tộc
Việt Nam thà hy sinh tất cả để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của
Tổ quốc Việt Nam. Kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh của các anh!
Trần Ái Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét