27/5/15

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (1905-2015)

(LĐ) - Số 118

Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một trong những vị cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Tháng 1.1950, Đại hội Công đoàn VN lần thứ I bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Trên cương vị này, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt, Báo Lao Động trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

KỲ 1: Cán bộ Công đoàn phải có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh
TS ĐẶNG NGỌC TÙNG - ỦY VIÊN T.Ư ĐẢNG, CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐVN
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và sau đó là ổn định, khôi phục và phát triển KTXH ở miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cách mạng miền Nam, với cương vị là người đứng đầu Công đoàn (CĐ) VN, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối của Đảng vào phong trào công nhân (CN), CĐ; chỉ đạo các cấp CĐ tập hợp đông đảo CN, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức và hành động trong CB đoàn viên, CNLĐ về các nhiệm vụ cách mạng, tạo thêm sức mạnh của phong trào CN và CĐ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng như trong xây dựng miền Bắc sau chiến tranh.
Thành lập Trường Công đoàn
Với đề xuất của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đại hội I CĐVN (tháng 1.1950) đã đề ra nhiệm vụ của GCCN và CĐ trong kháng chiến là: “Tích cực cùng toàn dân chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, tiêu diệt thực dân Pháp và bù nhìn tay sai, đánh bại âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất thật sự cho tổ quốc, góp phần cùng LĐ và nhân dân các nước đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới”. Xác định vai trò của GCCN và CĐ trong việc củng cố khối liên minh công nông, đồng chí nêu rõ “CN và nông dân là trụ cột của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là lực lượng căn bản trong xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân”. CĐ phải giúp đỡ CN học tập văn hoá, chính trị; tuyên truyền, động viên CNLĐ thực hiện triệt để khẩu hiệu: “Cần, kiệm, liêm chính”; phát động CNVC cả nước, nhất là CN ngành quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp.

 Đồng chí Hoàng Quốc Việt (1905-1992).
Luôn coi trọng công tác CB, đồng chí quyết định thành lập trường công đoàn vào tháng 2.1950 để đào tạo CB, bổ sung cho các địa phương, các KCN, đồn điền. Theo đề nghị của Ban Thường vụ Tổng LĐLĐVN, tên trường là “Trường Công đoàn Hoàng Quốc Việt”. Sự kiện này tạo bước phát triển mới cho công tác tổ chức của CĐ, đáp ứng yêu cầu về CB của phong trào CĐ cả nước.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, các cấp CĐ tích cực vận động GCCN cùng với giai cấp nông dân xây dựng khối liên minh công nông vững chắc, làm nòng cốt xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Trong cải cách ruộng đất, các cấp CĐ đã cử nhiều CB có phẩm chất và năng lực về các vùng nông thôn giúp nông dân tiến hành cải cách, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, tăng cường sức dân, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) kết thúc, Hội nghị BCH Tổng LĐLĐVN (tháng 8.1954), do đồng chí Hoàng Quốc Việt chủ trì, đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của CĐ trong giai đoạn này là động viên, tổ chức đông đảo quần chúng LĐ trong các đô thị thành một lực lượng to lớn, mạnh mẽ, làm chỗ dựa tốt nhất, chắc chắn nhất cho chính quyền tiến hành tiếp quản, phục hồi sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự thành phố.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của phong trào CĐ và theo đề nghị của đồng chí Hoàng Quốc Việt, tháng 10.1954, “Trường Công đoàn Hoàng Quốc Việt” đổi tên thành “Trường Cán bộ Công đoàn”, tiếp tục nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CB CĐ các cấp, nhằm củng cố, phát triển đội ngũ CB có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh để hoạt động CĐ trong điều kiện mới.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (thứ 2, từ trái sang) với công nhân ngành xây dựng Hà Nội. Ảnh: T.L 
Đề xuất, xây dựng Luật CĐ và nhiều chính sách cho CNLĐ
Trong thời kỳ đầu khôi phục kinh tế miền Bắc, công tác quản lý xí nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa đi vào nền nếp. Thực trạng đó đòi hỏi CĐ phải tham gia thiết thực vào việc cải tiến tổ chức quản lý xí nghiệp và thực hiện việc điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ xí nghiệp (trong các xí nghiệp tư doanh). Để giải quyết vấn đề này, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chủ động đề xuất, tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật CĐ trình Quốc hội. Trên cơ sở đó, ngày 5.11.1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 108-SL/L10 về việc ban hành Luật CĐ, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động CĐ; phát huy tính tích cực của GCCN, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm của CB, đoàn viên trong hoạt động CĐ.
Nội dung cơ bản của Luật CĐ khẳng định vai trò lãnh đạo của GCCN; quy định quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức CĐ, quyền giám sát và tham gia quản lý của CNVC trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, thực hiện các chính sách kinh tế tài chính. Luật CĐ quy định quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức CĐ trong việc bảo vệ quyền lợi của CN và LĐ trong các doanh nghiệp quốc doanh cũng như tư doanh, cơ quan cũng như công trường, xí nghiệp. Luật CĐ tạo các điều kiện thuận lợi để CĐ phát huy tác dụng tích cực của mình, cũng như của CNLĐ, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, xây dựng đất nước. Đi đôi với vận động, tổ chức CNVC tham gia cải tạo và phát triển kinh tế - văn hoá, CĐ đã phối hợp với các cơ quan nhà nước nghiên cứu đề xuất các chính sách LĐ, tiền lương, đem lại những quyền lợi thiết thực cho CN và NLĐ. Trong những năm 1954-1960, đồng chí cùng các CB của Tổng LĐLĐVN ba lần đề nghị Chính phủ cải tiến chế độ tiền lương cho CNVC, dựa trên nguyên tắc phân phối theo LĐ.
Tổng LĐLĐVN đã đóng góp ý kiến với T.Ư Đảng và Chính phủ về xây dựng chế độ làm việc và nghỉ ngơi cho CNLĐ, thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng, hạn chế tình trạng CN phải tăng cường độ, kéo dài thời gian LĐ quá mức. Để cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhẹ hao phí sức LĐ, đảm bảo ATLĐ cho CN, Hội nghị Thường vụ Tổng LĐLĐVN mở rộng cuối năm 1956 đã đề nghị Nhà nước ban hành chế độ nghỉ lễ hàng năm. Đây là một đề xuất phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, cần thiết của CNLĐ và có ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của CNLĐ với chế độ xã hội mới, đến khuyến khích NLĐ đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất LĐ.
Đặc biệt quan tâm xây dựng CĐCS
Với những đóng góp to lớn cho tổ chức và hoạt động của CĐ, Đại hội CĐVN lần thứ II (tháng 2.1961) tiếp tục bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt giữ chức Chủ tịch Tổng CĐVN.
Tiếp tục cương vị này, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng tập thể Ban Thư ký đề ra nhiệm vụ của phong trào CĐVN trong giai đoạn mới là: Đoàn kết tổ chức giáo dục toàn thể CNVC phát huy khí thế cách mạng, khí thế làm chủ và tích cực của quần chúng, làm cho quần chúng nắm vững kỹ thuật tiên tiến để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN, trước mắt là thi đua hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965); “củng cố tình đoàn kết hữu nghị với GCCN và nhân dân các nước XHCN, trọng tâm là Liên Xô, Trung Quốc,… kiên quyết đấu tranh cho hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội”.
Chỉ đạo kiện toàn công tác tổ chức của hệ thống CĐ, đồng chí đặc biệt quan tâm xây dựng CĐCS, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là xây dựng và củng cố CĐCS ở các nhà máy xí nghiệp lớn, ở các công trường xây dựng cơ bản và các nông trường quốc doanh, nhằm thực hiện tốt việc xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu thẫn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ - ngụy của nhân dân miền Nam.
Theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch, các cấp CĐ coi việc đào tạo và bồi dưỡng CB là chìa khoá của công tác tổ chức; cần mở nhiều khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ cho CB CĐ; Hoạt động CĐ lấy việc củng cố CĐCS làm khâu chính, đồng thời tích cực củng cố CĐ các cấp; Lấy công tác quần chúng làm nguyên tắc căn bản nhất của hoạt động CĐ; Đề cao công tác tư tưởng, tích cực mở rộng phê bình và tự phê bình, định kỳ kiểm điểm công tác để cải tiến chỉ đạo, chấn chỉnh lề lối làm việc của các cấp CĐ. Tiến hành cuộc vận động “Xây dựng CĐCS bốn tốt” với nội dung: Giáo dục tổ chức quần chúng thi đua và tham gia quản lý tốt; Cải thiện đời sống CNVC tốt; Xây dựng mạng lưới phần tử tích cực trong hoạt động CĐ; Xây dựng tổ CĐ tốt.
Nội dung hoạt động chủ yếu của CĐ là: Hướng các hoạt động của CN vào phấn đấu tăng năng suất LĐ, bảo đảm hoàn thành kế hoạch nhà nước; Tập trung chỉ đạo hệ thống CĐ ngành giao thông vận tải, các xí nghiệp địa phương, các cơ sở trọng điểm của công nghiệp T.Ư như cơ khí, than, điện… các tỉnh khu Bốn và miền núi; Nâng cao năng lực hoạt động của CĐ là kiện toàn cơ quan chỉ đạo và cải tiến cách làm việc của các cấp để thích ứng với điều kiện miền Bắc vừa xây dựng, vừa có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, CB CĐ phải có lập trường GCCN vững vàng; có nhiệt tình cách mạng cao với công tác CĐ; có trình độ hiểu biết về kỹ thuật và quản lý kinh tế XHCN; có tác phong quần chúng và được quần chúng tín nhiệm. Cơ quan Tổng CĐ, phải có kế hoạch tăng cường CB cho các Liên hiệp CĐ địa phương nhằm tăng khả năng lãnh đạo, chỉ đạo phong trào CNVC vừa sản xuất, vừa chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu, bảo vệ tổ quốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét