30/12/15

Thánh vật sông Tô Lịch – Tác phẩm của gã hàng xóm xấu bụng

songtolich2

1. Tóm lược sự việc thánh vật sông Tô Lịch
Tóm lược sự việc như sau, vào ngày 27/9/2001, đội thi công số 12 -Thuộc Công ty xây dựng VIC ,trong khi nạo vét sông Tô Lịch,thuộc địa phận làng An Phú – Phường Nghĩa Đô – Quận Cầu giấy – HÀ NỘI đã phát hiện được di vật cổ rất lạ và huyền bí. Đó là 7 cây gỗ được chôn đứng dưới lòng sông, tạo thành một đa giác đều, tại đó có các bộ hài cốt bị đóng đinh bả vai, táng giữa các cọc gỗ đó. Ngoài ra còn phát hiện được tấm gỗ Vàng tâm có hình Bát quái, một số đồ Gốm, xương Voi, Ngựa, dao, tiền đồng. Sau khi đã rút những cọc gỗ đó lên, lấy các bộ hài cốt đem lên Bát Bạt -Hà tây ( là nơi nghĩa trang chôn cất chung của TP.Hà nội ), thấy có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ xẩy ra. Nào là các việc chuẩn bị tiến hành thi công bị rối tung lên, máy xúc KOMATSU tự nhiên lao xuống sông;. Nào là một số người đang làm việc tự nhiên ngã lăn ra đất, chân tay co rúm, cứng đờ, lưỡi thè ra ngoài và trở nên hoàn toàn mất tư thức trong nhiều giờ; Địa tầng của cả khu vực thi công tự nhiên biến đổi, không giống như khảo sát ban đầu; Thử đưa la bàn vào khu vực đó thấy kim la bàn quay tít. Một năm sau sự việc trên, có hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên xẩy ra, gây kinh hoàng cho toàn đội xây dựng số 12, là đội đã trực tiếp thi công khu vực trên. Bản thân, gia đình, anh em của những người công nhân trực tiếp ngụp lặn vớt hài cốt, nhổ cọc đóng dưới lòng sông liên tục bị các tai nạn thảm khốc như chết, bệnh tật, tai nạn. Sự việc lên đến đỉnh cao khi có tới 43 người thợ bỏ không dám tiếp tục làm việc tại công trường nữa. Trong số đó nhiều người không nói rõ lý do, cũng không đòi hỏi vật chất mà đáng ra họ được hưởng.
Ngày 9/10/2001 những người thợ đã mời một thày theo đạo Tứ phủ đến giải thích, theo nhận định của Thày thì đây là một đạo Bùa Bát quái trận đồ được chôn yểm lâu đời để trấn yểm Long mạch của khu vực này. Sau đó các công nhân lại tiếp tục mời Thượng tọa Thích Viên Thành tới. Thượng tọa Thích Viên Thành đã cho 5 đệ tử lập đàn tràng, làm lễ Hàn lại Long mạch. Chỉ hơn 1 tháng sau, Thượng tọa Thích Viên Thành đã bị bệnh chết. Các nhà khoa học đã có những đánh giá sơ bộ, song cho đến nay vẫn chưa có kết luận nào khả dĩ có thể lý giải và khắc phục các sự việc trên.
2. Tác phẩm của Cao Biền
Theo Việt sử lược : Thành Đại La được xây dựng vào thế kỷ 7 có tên là Tống Bình. Năm thứ 2 niên hiệu Trường khánh (Nhâm Dần -822 ), Vua Mục Tông nhà Đường dùng Nguyên Hỷ làm quan đô hộ. Nguyên Hỷ thấy cửa thành có dòng nước ngược sợ rằng dân ở thành có ý đồ phản nghịch, liền sai Thầy bói gieo 1 quẻ. Thầy bói nói rằng, sức ông không đủ để bồi đắp thành lớn, 50 năm sau, có một người họ Cao đóng đô tại đây mà xây dựng Vương phủ. .
Tới đời vua Đường Y Tôn (841 -873 ), Cao Biền được cử sang đất Việt làm Tiết Độ sứ. Cao Biền là một con người đa hiệu: Vừa là một vị Tướng, vừa là một nhà Phù thủy, một Đạo sĩ, cũng là một nhà Phong thủy có tài. La Thành được Cao Biền sửa chữa, chỉnh đốn lại cho hợp Phong Thủy vào các năm : 866, 867, 868. Theo truyền thuyết, khi Cao Biền xây dựng lại thành Đại La, thì khu vực thi công có hiện tượng sụp lở đất. Cao Biền liền tiến hành chấn yểm Thần sông Tô lịch và một số điểm khác như đền thờ Thần Bạch mã, núi Tản Viên. Sau đó công viêc xây dựng mới có thể hoàn tất.
Vùng đất từ đầu nguồn sông Tô Lịch kéo dài đến Cổ Loa – Đông Anh HÀ NỘI là một vùng đất có địa tầng địa chất không ổn định. Ta cũng cần phải nhớ rằng : Núi Tản viên nằm ở hướng Tây Hà Nội. Mặt khác phía Tây và Tây Bắc của La Thành là một vùng núi non trùng điệp của các tỉnh HÒA BÌNH, SƠN LA, LAI CHÂU…Theo định nghĩa của môn Phong Thủy, Long Mạch xuất phát từ những rặng núi cao. Núi mà từ đó khởi nguồn Long mạch gọi là Tổ sơn. Ngoài ra Long mạch còn xuất phát từ những khu vực khác gọi là Thiếu sơn. Ta cũng biết rằng thiên khí từ trên trời luôn có tính chất giáng xuống, các đỉnh núi cao là những antena tiếp thu sinh khí. Từ những sự việc trên, ta cảm nhận được rằng có một Long mạch rất lớn bắt nguồn từ núi Tản Viên và các rặng núi phía Tây, Tây bắc của Thành Đại la kéo dài qua thành Đại La theo dọc sông Tô Lịch (khí thường đi theo nước ), chạy qua khu vực Hồ Tây bây giờ (Hồ Tây trước kia là một khúc của dòng sông Hồng ), sau đó sang tới tận địa phận Cổ Loa -Đông Anh – HÀ NỘI và còn theo hướng Đông, Đông Bắc đi tiếp .
Chính vì có Long mạch này mà Cao Biền phải vô cùng bận tâm, khổ trí nhằm tiêu diệt hoặc chấn yểm. Có rất nhiều tryền thuyết về Cao Biền liên quan đến các khu vực khác nhau của Long mạch này, và đây cũng chính là tác phẩm Cao Biền để lại trên sông Tô Lịch mà năm 2001 chúng ta phát hiện ra gây xôn xao dư luận.
Trước khi sang nước Nam, vua Đường cho vời Cao Biền vào và nhủ rằng : “Công học địa lý, tối vi linh diệu, trẫm văn An nam đa hữu thiên tử quý địa, Công đương dụng lực ngụ mục, hoặc hữu áp chi, triển bình sinh chi kinh luân, thuật thánh hiền chi quy củ, đoạt thần công nhi cải thiên mệnh, nhiên vi tiễu thảo trừ căn, chi đồ thứ cơ vô hậu lệ, tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên, nhất nhất diễn ca lập kiểu, trẫm đắc tiện văn giả..
Dịch ra có nghĩa là:
“…Khanh học địa lý tối vi linh diệu, trẫm nghe An Nam có nhiều quý địa kết phát tới thiên tử, sản xuất ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn nổi nên chống đối. Qua bên đó, khanh nên tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên và làm tờ tấu biểu kèm theo lời diễn giải các kiểu đất, gửi về cho Trẫm xem trước. Rồi ở bên đó khanh đem tài kinh luân, đoạt thần công, cải thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất đó đi. Đó là cách nhổ cỏ thì nhổ tận gốc vậy, để tránh hậu họa sau này…”
Cao Biền vâng lệnh sang Việt nam, ông đã bỏ công xem xét. Và nhận thấy rằng có một mạch đất cực lớn thuộc loại Đại cán long xuất phát từ Côn Lôn sơn chạy qua, đến Việt nam chia làm ba chi lớn, trong đó có tới 27 ngôi đất kết phát tới thiên tử, còn lại là hàng nghìn ngôi đất lớn nhỏ kết phát các anh tài kiệt xuất. Ông đã xem xét. Ghi chép, diễn ca được 632 huyệt chính, 1517 huyệt bàng thuộc các tỉnh trên lãnh thổ Bắc Việt Nam:
Hà Đông: 81 chính, 246 bàng
Sơn Tây : 36 chính, 85 bàng
Vĩnh yên, Phúc yên, Phú thọ : 65 chính, 155 bàng
Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An : 183 chính, 483 bàng
Gia Lâm, Bắc ninh, Đáp cầu, Bắc giang, Lạng sơn : 134 chính, 223 bàng
Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình : 133 chính, 325 bàng
(chi tiết các địa danh huyệt kết và diễn ca này xin để dịp khác vì dài dòng quá, tôi không đưa vào đây)
Sau khi thống kê, diễn giải tường tận, Cao Biền làm sớ tấu gửi về cho vua Đường Trung Tông. Bản tấu này có tên là “Cao Biền Tấu thư địa lý kiểu tự”. Bản tấu thư này được nhà Đường cất giữ rất bí mật, coi là bí thư.
Ở Việt nam, Cao Biền tiến hành trấn yểm các kiểu đất lớn. Thủ pháp của Cao Biền để trấn yểm là : Bắt đồng Nam, đồng Nữ, mổ bụng moi hết nội tạng, sau đó nhét cỏ bấc vào trong, cho ngồi giả phụ đồng. Sau đó đăng đàn làm phép, khu thần tróc quỷ, gọi các thần linh cai quản các ngôi đất lớn đến nhập đồng. Nếu thấy các tử thi cử động thì liền dùng gươm phép tẩm máu gà, máu chó mà trừ khử cho mất thiêng đi.
(Theo thuật Địa lý, một ngôi đất kết là do khí mạch của đất thăng lên, và các ngôi đất đó do các thần linh cai quản nuôi dưỡng, đất càng lớn thì thần linh càng mạnh. Cho nên khi trấn yểm, nếu muốn phá được ngôi đất ấy thì trước hết phải trừ được thần linh cai quản, sau đó mới yểm bùa, triệt phá. Do vậy nếu nói về Địa lý, ngoài việc nghiên cứu lý thuyết, muốn làm thầy, táng được huyệt còn phải có tài khu thần tróc quỷ, sai khiến quỷ thần mới có thể đặt được các ngôi đất lớn. Nếu không có phép ấy, ắt sẽ bị phản hại mà mang họa vào thân)
Cao Biền đã tiến hành trấn yểm các ngôi đất lớn nhưng hầu hết đều thất bại, chuyện đó sẽ nói tiếp trong kỳ sau.
Trở về với ngôi đất thành Thăng long, Cao Biền đã diễn ca ngôi đất như sau :
Thăng Long đệ nhất đại huyết mạch, Đế vương quý địa :
Giao châu hữu chi địa -(đất Giao Châu có một ngôi đất)
Thăng long thành tối hùng -(thăng long tối hùng mạnh)
Tam hồng dẫn hậu mạch -(ba con sông lớn dẫn hậu mạch, tiếp khí cho mạch là sông Thao, sông Lô, sông Đà).
Song ngư trĩ tiền phương -(hai con cá dẫn đường, chính là bãi Phúc Xá ngoài sông Hồng)
Tản lĩnh trấn Kiền vị -(núi Tản Linh trấn tại phương Kiền – tây bắc)
Đảo sơn đương Cấn cung -(núi tam Đảo giữ phương Cấn – Đông bắc)
Thiên phong hồi Bạch hổ -(nghìn ngọn núi quay về Bạch hổ)
Vạn thủy nhiễu Thanh long -(muôn dòng nước từ ba con sông Thao, Lô, Gâm đều tụ lại tại nga ba Việt trì, chảy về nhiễu Thanh Long)
Ngoại thế cực trường viễn -(thế bên ngoài rất rộng và xa, tất cả cá núi non trên suốt mạch sông Hồng từ Việt trì đến Ninh Bình đều chầu về)
Nội thế tối sung dong -(thế bên trong rất mạnh mẽ, đầy đặn)
Tô giang chiếu hậu hữu -(sông Tô lịch dẫn mạch từ phía sau, bên phải)
Nùng sơn cư chính cung -(núi Nùng đóng tại chính cung)
Chúng sơn giai củng hướng -(tất cả núi non đều hướng về rất đẹp)
Vạn thủy tận chiều tông -(là nơi tận cùng, hợp lưu của mọi dòng nước từ thượng nguồn dẫn khí mạch về)
Vị cư cửu trùng nội -(là nơi ở của vua chúa (cửu trùng), đất làm kinh đô)
Ức niên bảo tộ long -(có thể bền vững tới 10 vạn năm)
Cầu kỳ Hổ bất bức -(…….)
Mạc nhược trung chi đồng -(…….)
Mặc dù rất ngắn gọn, nhưng bài diễn ca trên đã nói nên cái thế đất của thành Thăng long cực lớn. Các nhà địa lý đời sau phân thế, gọi là Bát tự Phân lưu Hư hoa Hà nội (là nơi nước phân lưu như hình chữ bát). Trong bài diễn ca trên, ngoài các mô tả chung, cần chú ý tới mấy điểm đặc biệt :
Thứ nhất, là vị trí huyệt kết, thông thường định huyệt kết rất khó khăn, nhưng ở đây Cao Biền đã nói rõ “Nùng sơn cư chính cung”, đó chính là nơi huyệt kết chính cung. Núi Nùng bây giờ không còn nữa, mọi người thường nhầm với gò đất ở trong vườn hoa Bách thảo, theo các nhà khảo cổ đánh giá, có lẽ nó nằm tại vị trí gần khu Hoàng thành cổ, đền Bạch mã là khu vực chân núi.
Thứ hai, trong bài diễn ca trên, câu đầu tiên “Thăng long thành tối hùng”, rất nhiều người dịch là thành Thăng long, nhưng cái tên Thăng long là mãi đến đời Lý mới có. Theo ý kiến các nhà Địa lý, “Thăng long” ở đây có lẽ là nói về cái thế đất, khí mạch thăng lên. Mạch đang đi chìm, đến vị trí này nổi nên kết phát nên gọi là Thăng Long. Và đây cũng là một cơ sở của cái tên Thăng long sau này, chưa hẳn đã là theo truyền thuyết đức Lý thái tổ nhìn thấy rồng bay lên mà đặt tên. Quan điểm này còn nhiều tranh cãi.
Thứ ba, Trong bài diễn ca trên có hai câu cuối rất khó hiểu, nhiều người dịch, mỗi người một ý. Nhưng theo đa phần các nhà Địa lý đều thống nhất một ý như sau: (bỏ qua phần văn phạm dịch thuật). “Cầu kỳ Hổ bất bức, Mạc nhược trung chi đồng” có nghĩa là nếu không bức được Bạch Hổ thì bất quá cũng chỉ là nơi đồng không mà thôi.
Trong thuật Địa lý, nước dẫn khí mạch về để kết huyệt, Long Hổ hai bên lưu giữ khí mạch cho khỏi thoát, khỏi bị phong suy. Nhưng Thanh long là cát thần, ngôi trưởng, Bạch hổ là hung thần, ngôi thứ, cho nên Long phải dài hơn Hổ, phải nằm bên ngoài Hổ, phải khống chế được Hổ thì mới yên, ngược lại là loạn, thứ tất đoạt trưởng, sinh nhân hung ác, phản nghịch, tất sinh biến. Nếu khí mạch khi nhập huyệt mà lại nghịch hướng, hoặc quá lớn mà tản mát sẽ nuôi dưỡng cả Long và Hổ. Nếu nuôi dưỡng Long thì lành, nuôi dưỡng Hổ thì hung. Đối với thành Thăng Long, khi nhập huyệt, khí mạch được ba con sông Tô lịch, Kim ngưu, và Thiên phụ (cái tên sông này không biết có chính xác không, tôi chưa tra cứu được) dẫn về, trong đó sông Tô lịch nằm đằng sau, phía Phải hơi chệch đường, nuôi dưỡng cho Bạch hổ. Ba con sông này tập trung tại khu vực cuối đường Bưởi gần Hồ Tây, là chỗ mà người ta đã đào được trận đồ bát quái. Đây chính là nơi Thủy Khẩu.
Nhận thấy đây là một Quý địa, là nơi đế đô có thể bền vững tới 10 vạn năm, nếu trị được ngôi đất này có thể làm đất kinh đô được. Cho nên Cao Biền ra tay trấn yểm, không phải với mục đích là triệt phá thế đất Thăng long mà mục đích là khống chế khí mạch không cho nuôi dưỡng Bạch hổ nữa (Thực ra có muốn triệt phá cũng không thể đủ sức, đủ tài làm việc này, vì ngôi đất này cực lớn). Nơi trấn yểm được ông chọn là Thủy khẩu, nơi con sông Tô lịch dẫn khí mạch về bên Bạch Hổ. (xin chú ý đây là nói về nội Long và nội Hổ, vì thế đất Thăng Long có nhiều tầng Long Hổ). Với mục đích là chọn đất đặt Kinh Đô, nhằm đô hộ lâu dài đất Giao Châu.
Khi Cao Biền trấn yểm, có lẽ do linh khí núi sông linh thiêng, do anh linh bao đời của dòng giống Lạc Hồng bất khuất đã hiển linh xuất thánh, không để cho Cao Biền thực hiện ý định đóng đô lâu dài nên đã ra sức cản phá, kết hợp với nhân dân lúc bấy giờ tìm mọi cách ngăn cản cho nên Cao Biền đã thất bại. Ông đã không xây dựng được nơi chính huyệt, Cao Biền đành chuyển ra bên cạnh đóng đô nơi thành Long Biên, là tòa thành đã có từ trước. Cũng chính vì vậy mà sự nghiệp của Cao Biền ở nước Nam đã không kéo dài được. Và thành Long Biên sau này cũng chỉ là một thành nhỏ, trước đây không một đời vua nào đóng đô ở đây được lâu bền cả, như Mai Thúc Loan, Lý Bí … cũng đều đóng đô ở Long biên, nhưng chỉ được thời gian rất ngắn ngủi.
Các vị thần được phong là Thăng long Tứ Trấn đã có công giữ thành, giữ đất, đến nay vẫn được nhân dân Nam Việt biết ơn, thờ phụng. Công đức của các ngài gắn liền với đất Thăng Long – Hà Nội. Và các ngài đến nay vẫn giúp cho cháu con nước Việt gìn giữ một Kinh thành với thế đất nổi danh quý địa Bát tự phân lưu.
Chi tiết các đợt trấn yểm của Cao Biền sẽ được Trần Ái Quốc chuyển tải tới độc giả vào kỳ sau với tên: “Trấn yểm long mạch nước Nam – âm mưu thâm độc của phong kiến phương Bắc”.
Trần Ái Quốc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét