5/10/15

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP - NGƯỜI SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN!

Dẫu biết rằng “sinh – lão - bệnh - tử” là quy luật muôn đời, nhưng nghe tin đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, con vẫn thấy trong lòng bàng hoàng thảng thốt. Thế là Người đã ra đi về chốn vĩnh hằng, không ở lại cùng cháu con thêm nữa. Hơn một thế kỷ qua (1911 – 2013), từ tuổi thiếu niên cho đến giờ phút cuối cùng, Người đã sống cho nhân dân, cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
 
Sinh ra giữa lúc quân giặc đang giày xéo quê hương, thù nhà nợ nước đã đưa Người sớm bước vào con đường đấu tranh cách mạng; 16 tuổi bị đuổi học vì tham gia bãi khóa ở trường quốc học; 19 tuổi bị bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ vì đấu tranh biểu tình chống Pháp. Tốt nghiệp cử nhân luật, Người trở thành nhà giáo, nhà báo, đấu tranh trong mặt trận dân chủ Đông Dương. Núi rừng Việt Bắc vẫn in dấu chân Người những năm đầu cùng với Bác Hồ và trung ương Đảng về đây xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập mặt trận Việt Minh (1941), thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân(1944)…. Dẫu “cháo bẹ rau măng”, “sắn lùi bắp luộc”, nhưng lực lượng cách mạng vẫn không ngừng lớn mạnh, để rồi khi thời cơ đến, cả dân tộc vùng lên làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám (1945)long trời lở đất, đập tan xiềng xích phong kiến thực dân, thiết lập nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Là Bộ trưởng Bộ nội vụ trong Chính phủ cách mạng lâm thời, Người đã xử lí tốt mọi tình huống khó khăn phức tạp để góp phần giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, mới thành lập. Là tổng chỉ huy – tổng tư lệnh quân đội quốc gia trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, bằng tài thao lược của mình, Người đã cùng trung ương Đảng, Bác Hồ đưa cuộc “chiến đấu trong vòng vây” của quân dân ta từng bước tiến lên dành thắng lợi. Đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ(1954) “chấn động năm châu, vang dội địa cầu”, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ ne vơ, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Pháp đi, Mỹ tới. Dân tộc ta lại bị cuốn vào một cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới. 21 năm chiến đấu kiên cường anh dũng với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, từ phong trào “ đồng khởi” quân dân ta từng bước dành được những thắng lợi to lớn trong Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968), “Điện Biên Phủ trên không” (1972), buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari (1973), cuốn cờ “cút” khỏi Việt Nam. Bằng cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 với khẩu hiệu: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, cuối cùng dân tộc ta đã dành chiến thắng, non sông thu về một mối, Nam - Bắc một nhà.
Mấy năm sau, quân dân ta lại đập tan âm mưu thâm độc của bè lũ Pôn Pốt và giới cầm quyền phản động Bắc Kinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1978) và chiến tranh biên giới phía Bắc (1979)
Tên tuổi của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam hiện đại, gắn liền với những cuộc trường chinh cứu nước gian nan, mà oanh liệt của dân tộc ta, vượt qua thời gian, băng qua không gian và đi vào lòng nhân loại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo văn võ song toàn. Người không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, mà còn là một nhà văn hóa xuất sắc, một nhà lý luận quân sự mang tầm thế giới. Học thuyết “chiến tranh nhân dân” của đại tướng là sự kế thừa truyền thống đánh giặc của cha ông ta trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, là sự tiếp thu đường lối quân sự của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh và tinh hoa quân sự thế giới. Người đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị trên nhiều mặt: chính trị, kinh tế, quốc phòng, lịch sử….
Chất nhân văn trong con người đại tướng, trước hết thể hiện ở tinh thần chiến đấu, lao động quên mình cho tổ quốc, cho nhân dân. Cả cuộc đời Người, đã tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Người luôn tâm đắc với lời dạy của Bác Hồ “dĩ công vi thượng”; trong suốt nửa thế kỷ tham gia chính sự, dù bất kể hoàn cảnh nào, nhiệm vụ nào, Người cũng hoàn thành bằng cả tấm lòng vì nước vì dân. Lúc về hưu cho đến giờ phút cuối cùng Người vẫn luôn quan tâm sâu sát đến sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhà nước và mọi mặt đời sống của nhân dân
Trong chiến tranh, với Người, chiến thắng không phải bằng mọi giá. Người luôn sống thân tình gần gũi với đồng chí, anh em. Trong kháng chiến chống Pháp, có một chiến sĩ bị thương được đưa về hầm của đại tướng, chết khi chưa kịp ăn, Người ôm xác đồng đội khóc ngay tại hầm! Trong kháng chiến chống Mỹ, sau lần đến thăm trung đội nữ “công binh thép” đoàn 559 làm nhiệm vụ trên đỉnh Trường Sơn, Người đã gửi tặng một thùng quà với nhiều xà phòng, bồ kết…. ai cũng vui mừng, ngạc nhiên và xúc động. Nước mắt tuôn trào và xúc động hơn khi chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm, Người vẫn cố gắng tìm bằng được những chiến sĩ nữ năm xưa, để giúp đỡ họ hưởng chính sách của người có công.
Giữa cuộc sống đời thường, đại tướng là một người khiêm tốn, nhân từ và yêu thương hết mực. Chưa bao giờ Người nặng lời với đồng chí, với vợ con, vẫn giản dị như hoa phong lan rừng, như cây che bóng râm, như cỏ chân đê trong vườn nhà đại tướng. Khi nói về công lao đối với dân tộc, đại tướng cho rằng: bản thân chỉ là “giọt nước trong biển cả” nhân dân rộng lớn. Có lẽ vì tất cả, nên chưa có vị cán bộ cấp cao nào như ông, khi đã về hưu, chính khách, đồng chí, đồng bào lại đến thăm nhiều hơn khi còn đương chức.
Một vị đại tướng ngoài 90 tuổi, tiếp xúc với chính khách, báo giới nước ngoài, không chỉ nói bằng tiếng Việt, mà có khi còn dùng ngoại ngữ, chuẩn đến từng câu từng chữ. Thật là mẫn tiệp! Trong con mắt bạn bè quốc tế, kể cả những người bên kia chiến tuyến: Võ Nguyên Giáp là vị “đại tướng năm sao”, là một người Việt Nam bản lĩnh, giàu nhân - trí – dũng.
Trong con người đại tướng chứa đựng các phẩm chất khác nhau của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, sáng suốt, người chỉ huy tinh thông, mưu lược, người nhà giáo mẫu mực, điềm đạm, khoan dung... Tất cả đã làm nên một nhân cách Việt Nam vĩ đại, đúng như câu đối của một nhà giáo mừng đại thọ Người:
“Văn lo vận nước, văn thành võ
Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”.
Chiều ngày 4 tháng 10 năm 2013, nghe tin trên mạng xã hội truyền nhau: đại tướng mất rồi, lòng con như thắt lại. Người đã đi thật rồi sao? Xem thời sự trên truyền hình, nước mắt con chảy thành dòng, dù cố nén vẫn bật thành tiếng khóc: “Đại tướng ơi…”
Lần đầu tiên trong đời, con làm cờ rủ tại nhà trong lễ quốc tang, như tấm lòng thành kính nhất hướng về Người. Chiếc ti vi gia đình, gắn thêm loa, để mọi người được nghe rõ hơn những chương trình truyền hình phát về đại tướng.
Từ ngày tạ thế đến lúc Người rời Hà Nội trở về Vũng Chùa – Đảo Yến quê hương, những dòng người dài như vô tận, không kể già trẻ gái trai, không kể ngày đêm, nối nhau lặng thầm nhích từng bước chân trên đường Hoàng Diệu, chờ mong đến lượt được vào nhà đại tướng để viếng Người lần cuối.
Sau ngày Bác Hồ mất tới nay, một lần nữa, nhân dân Việt Nam lại được chứng kiến: cả dân tộc chìm trong nước mắt tiễn đưa một người con vĩ đại. Sự ra đi của đại tướng đã làm chấn động triệu triệu con tim. Trong đau thương mọi người như xích lại gần nhau hơn, san sẻ cho nhau những chiếc bánh mì, những chai nước lọc, cùng nhau đội nắng dầm mưa để tiễn đưa Người. Tinh thần dân tộc trỗi dậy, thắp sáng lên như những tháng ngày chống Mỹ, vượt núi băng rừng của các thế hệ cha anh “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong dòng người đưa tiễn ấy còn có những cụ già 80- 90 tuổi, những em bé tàn tật, những thương binh, những thanh niên xung phong tóc đã bạc màu, có nhiều người không còn tự đi được trên đôi chân của chính mình, tất cả chìm trong thương nhớ, nhòa trong nước mắt, để được vĩnh biệt một con người của tất cả mọi người
Hôm tiễn đưa Người về đất mẹ, dòng người nối dài từ nhà đại tướng tới sân bay Nội Bài, từ sân bay Đồng Hới tới Vũng Chùa – Đảo Yến, tình yêu thương như bao trùm lên hết thảy. Cuộc sống bon chen của thời thị trường dường như lắng lại, nhường chỗ cho những tình cảm lớn lao, hướng về tổ quốc linh thiêng. Trong sự ra đi của một con người vĩ đại nhưng vô cùng bình dị ấy, dường như “mọi người tốt thêm lên”, sống có ích, có nghĩa với đời hơn. Nhân dân mọi miền đất nước, đến với Người bằng cả tấm lòng chân thành nhất, tiếc thương, ngưỡng mộ từ trong sâu thẳm con tim của lòng biết ơn vô hạn.
Người học trò xuất sắc, gần gũi của chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, một xung động tình cảm lớn bao trùm đất nước. Dòng người, biển người, đi viếng và tiễn đưa đại tướng, đã nói lên tất cả: tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với vị đại tướng tài năng đức độ; khẳng định công lao, uy tín của Người trong dòng chảy thời gian; nhắc nhở cán bộ cách mạng kế tục hãy sống làm sao để lúc ra đi vẫn còn mãi giữa lòng tổ quốc… Một sự ra đi cũng là một sự trở về lớn lao của tinh thần dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đã được báo chí toàn cầu đưa tin, viết bài, ngợi ca, vinh danh sự kiệt xuất của vị tướng Việt Nam trong lịch sử quân sự thế giới. Một nhà sử học người Mỹ cho rằng: Võ Nguyên Giáp là người đã ảnh hưởng to lớn trong việc hình thành cục diện thế giới hôm nay. Đúng như vậy! cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ thắng lợi, danh xưng Việt Nam – Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp đã vượt khỏi biên giới quốc gia, đi vào lòng nhân loại yêu chuộng hòa bình như một sự động viên cổ vũ lớn lao các dân tộc bị áp bức khắp Á- Phi – Mỹ La Tinh, vùng lên xóa bỏ gông xiềng nô lệ, dành độc lập tự do.
103 mùa xuân cống hiến cho dân tộc, Người ra đi, đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, niềm tiếc thương vô hạn. Non sông đất nước Việt Nam mãi khắc ghi công lao, tên tuổi của Người. Đạo đức tài năng và sự nghiệp của Người mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho con cháu Lạc – Hồng noi theo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi , nhưng trong sâu thẳm trái tim và khối óc của nhân dân cả nước, Người vẫn còn sống mãi. Dẫu rằng không tránh khỏi quy luật tự nhiên, nhưng sự ra đi của Người đã trở thành bất tử. Trong niềm tiếc thương vô hạn, con xin thắp nén nhang tâm, gửi đến Người bằng cả tấm lòng biết ơn, kính yêu và ngưỡng mộ - một con người vĩ đại – một danh tướng anh hùng đã đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới.
Việt Nam – Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp muôn năm./.
(An Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét