15/10/15

NHỮNG VỊ KHÁCH KHÔNG MỜI TRÊN BẦU TRỜI VIỆT NAM!

Bị bắt buộc phải bay trên bầu trời đầy lửa đạn phòng không của miền Bắc nước ta, may mắn thoát chết xuống được đến đất, những phi công Mỹ trở thành “vị khách không mời” rơi xuống Việt Nam.

 
 Theo Giáo sư Benjamin F.SChemmer – một sỹ quan cấp cao của Lầu Năm Góc thống kê: 85% các Phi công Mỹ đã bay trên 15 phi vụ ném bom miền Bắc. Họ đã gây ra không ít tội ác trước khi số phận được quyết định đến “an dưỡng” tại Hỏa Lò của Hà Nội.
Evertt Alvarez
Trung úy hải quân Evertt Alvarez là một trong những người nổi tiếng nhất nước Mỹ trong những năm cuối của thập niên 60. Nhưng không phải anh ta đã có một hành động anh hùng, một khả năng phi thường, hay một chiến tích oanh liệt nào đó; mà đơn giản Evertt Alvarez chính là viên Phi công Mỹ đầu tiên bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn rơi và bị bắt làm tù binh.
Ngày 5/8/1964, sau “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” do Mỹ cố tình dựng lên, theo lệnh của Tổng thống Lyndon B.Jonson, Evertt Alvarez đã lái chiếc máy bay A4D (được mệnh danh là “Chim ưng nhà trời”) đi ném bom Quảng Ninh – Hải Phòng. Trước lưới lửa phòng không dày đặc, hai chiếc phi cơ hiện đại của phòng không quân Mỹ đã trúng đạn và bốc cháy. Evertt Alvarez bị tóm cổ ngay tức khắc khi thoát khỏi cái lò lửa ngùn ngụt, nhảy dù xuống biển.
Năm đó Evertt Alvarez mới có 26 tuổi, phải ngồi trong buồng giam số 6, Hỏa Lò gần 10 năm. Anh là người có “thâm niên” tù binh cao nhất ở Việt Nam. Bị bắt giam chưa được bao lâu, anh ta đã phải dở khóc, dở cười khi nhận được tin cô vợ trẻ của mình ở Mỹ đòi tòa án cho ly dị với chồng để đi tìm hạnh phúc mới.
Richard “Pop” Kiern
“Pop” Kiern là một trong 61 phi công Mỹ bị Việt Nam bắt vào năm 1961. Máy bay của anh ta bị bắn rơi vào ngày 24/7/1965, khi nhảy dù xuống đất thì bị bắt sống.
Đây là lần thứ hai “Pop” Kiern là tù binh. Lần đầu, trong Chiến tranh Thế giới thứ II, anh ta là phi công lái máy bay B17 và bị bắn rơi trong chuyến công vụ đầu tiên tại mặt trận Đức. “Pop” Kiern đã phải nằm ở trại giam của Đức Quốc xã 9 tháng. Nhưng đó là trại giam của bọn phát xít, và anh ta đã chiến đấu trong lực lượng của quân Đồng Minh. Khi sang Việt Nam, “Pop” Kiern lái chiếc F105 “Thần Sấm” đã bị bắn rơi, bị bắt làm tù binh ngày thứ ba sau khi đến chiến trường này. Mãi đến năm 1973, sau khi được trao trả, anh ta đã chua chát thú nhận: “Tôi chỉ thực nghiệm vài giờ bay chiến đấu theo mệnh lệnh của cấp trên, còn sau đó thì làm tù binh gần 10 năm trời. Hình ảnh của Không lực Hoa Kì sẽ kiêu hùng hơn, nếu không có những chiếc máy bay bị lưới lửa phòng không Việt Nam bắn rơi và những tù binh như chúng tôi”.
James Robinson Risner
So với Trung tá “Pop” Kiern, cuộc đời cầm lái của Trung tá James Robinson Risner có vẻ oanh liệt hơn. Là một người hùng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, với 109 phi vụ thành công và hơn 3.000 giờ bay chiến đấu, Risner đã bắn hạ được 8 phi cơ của đối phương trong các cuộc không chiến ác liệt. Nhưng khi sang chiến trường Việt Nam, mới bay đến phi vụ thứ 5 thì anh ta đã bị bắn cháy, Risner lái máy bay lao ra biển và nhảy dù xuống nước.
Ngày 16/9/1965, Risner lái chiếc Thần Sấm F105D sa vào lưới lửa phòng không của bộ đội Việt Nam tại đất Đò Lèn (Thanh Hóa). Sau khi thú nhận hết tội lỗi của mình đã gây ra cho nhân dân Việt Nam trước các nhà báo, anh ta đã nằm “an dưỡng” trong trại giam 7 năm rưỡi cho đến khi được trao trả..
Một điều cần phải nói thêm là: Khi bộ đội ta bắn rơi và bị bắt làm tù binh, “người hùng” Mỹ này đã khai báo ngoan ngoãn và thành khẩn đến mức ngạc nhiên. Nghe nói, sau ngày được trao trả, anh ta quay lại tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ và còn được vinh thăng tới cấp Thượng tướng.
Jonh MCCain
Trong số các vị khách không mời từ trên trời rơi xuống, không thể không kể đến một nhân vật khá đặc biệt, một “cậu ấm” của quân đội Mỹ. Đó chính là thiếu tá hải quân John MCCain, con trai của đại tướng John S.McCain III. Máy bay của “cậu ấm” này đã bị lưới lửa phòng không Thủ đô ta bắn trúng, rơi thẳng đứng xuống nhà máy điện yên phụ.
“Cậu ấm” bị thương rất nặng nhưng cũng đã kịp nhảy dù và rơi tõm xuống hồ Trúc Bạch. Khi người ta kịp tới để vớt lên, “cậu ấm” chỉ còn thoi thóp như một cái xác không hồn. Ba tháng sau ngày McCain con bị bắn rơi, McCain bố được Tổng thống Mỹ ký quyết định thăng chức Đô đốc chỉ huy trưởng các lực lượng tác chiến khu vực Thái Bình Dương để tiếp tục tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
McCain con được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, được chăm sóc thuốc men theo chế độ đặc biệt và 9 tháng sau, 7/1968, anh ta được trao trả về phía Mỹ.
Sau ngày được trao trả, McCain đã trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ; thậm chí còn là ứng cử viên Tổng thống. Ngài Thượng nghị sĩ John Sidney McCain cũng đã nhiều lần trở lại thăm Việt Nam, thăm lại nơi mình đã bị bắn rơi và cả phòng giam mình đã nằm những tháng ngày đằng đẵng.
Và còn nhiều, rất nhiều những vị khách không mời từ trên trời rơi xuống nữa. Tới cuối năm 1968, tổng cộng đã có 356 Phi công của Mỹ bị ta bắt làm tù binh. Phía Mỹ công bố: ngoài số may mắn được phía Việt Nam bắt đưa về trại giam, đã có 927 Phi công khác bị chết khi thi hành nhiệm vụ.
Cuối tháng 11/1970, Quân đội Mỹ đã sử dụng một số lượng lớn máy bay trực thăng, máy bay vận tải cùng hàng trăm máy bay phản lực chiến đấu khác hộ tống, phối hợp để đưa một đơn vị đặc nhiệm đến Sơn Tây nhằm giải thoát cho gần 100 Phi công Mỹ là tù binh bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét