(Dân trí) - Ông Trương Bá Nhàn bị bắt oan 1.346
ngày về tội giết người cướp của. Theo quy định của pháp luật, cơ quan
gây ra oan sai phải xin lỗi, trong trường hợp của ông Trương Bá Nhàn,
Viện kiểm sát nhân dân TPHCM tổ chức xin lỗi.
>> Xin lỗi thì phải chân thành!
>> Bỏ tù oan 4 năm, xin lỗi trong… vài phút!
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Khỏi phải nói gia đình, người thân, vợ con của ông Trương Bá Nhàn
sung sướng như thế nào khi hay tin được cơ quan tố tụng xin lỗi. Bao năm
cay đắng, tủi nhục, nay mới có cơ hội giải tỏa nỗi uất ức. Ông Nhàn bị
oan sai, nhưng đâu phải chỉ một mình ông gánh chịu nỗi oan đó. Người
thân, vợ con ông chịu tiếng mang lời, chịu sự khinh bỉ, sỉ vả của người
đời. Ai cũng biết, xã hội ngày càng thiếu sự vị tha, nên ít có ai cảm
thông, chia sẻ hoạn nạn của người khác.
Và cũng khó để trách ai, khi chính cơ quan bảo vệ pháp luật kết tội
cho nạn nhân. Ở đời, ai không ghét kẻ cướp của giết người, ông Nhàn bị
ghét là đương nhiên, vợ con ông chịu sự nhục nhã cũng không lạ. Lỗi là
do Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM gây ra.
Cho nên, không chỉ xin lỗi ông Trương bá Nhàn, mà phải xin lỗi gia đình của ông mới phải đạo.
Có điều, người ta xin lỗi lấy lệ, không có được sự chia sẻ, cảm thông
như sự chờ đợi của ông Trương Bá Nhàn và gia đình ông. Bị tạm giam hơn 4
năm, đi mòn chân 9 năm để khiếu nại, cuối cùng chỉ nhận 295 triệu đồng
tiền bồi thường oan sai và vài lời xin lỗi qua loa. Toàn bộ buổi xin lỗi
chỉ diễn ra trong 15 phút.
1.346 ngày oan sai và 15 phút xin lỗi, sự đời phũ phàng, ức quá luật sư Nguyễn Văn Hiếu bật khóc.
Ông Trương Bá Nhàn không kịp nói lời nào, gia đình ông cũng chưa kịp
bày tỏ nỗi niềm chua xót bao năm, hàng xóm láng giềng cũng không nói lên
lời chia sẻ. Cha ông có nói “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói
cho vừa lòng nhau”. Cái lời xin lỗi ở đây mới là lời đáng nói, những
lời cảm thông giải bày lúc này đây mới đáng nói. Tính nhân đạo, nhân
văn, công bằng cũng ở chỗ này đây. Đáng tiếc là không ai được thỏa mãn
lòng mình.
Luật quy định tổ chức xin lỗi thì người có lỗi phải xin, nhưng xin
lỗi như thế nào là quyền của họ, 15 phút hay 5 phút là quyền của họ. Họ
phải tranh thủ thời gian còn lo việc công, hơi sức đâu ngồi nghe người
bị oan sai than thân trách phận.
Trước sự việc trên, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND
Tối cao đã chia sẻ trên báo Pháp luật TP HCM: “…không ít nơi đã tổ chức
buổi xin lỗi gần như rất chiếu lệ. Đã từng có nhiều vụ khi người được
xin lỗi chưa kịp mở miệng nói câu nào thì người xin lỗi đã bỏ về, bất kể
người ta có thông cảm, tha thứ hay không”.
Ông Quế đề nghị: “Qua sự việc này, nên chăng Nhà nước, nhất là các cơ
quan tố tụng Trung ương, cần có hướng dẫn về trình tự, thủ tục và hình
thức xin lỗi công khai người bị oan. Chẳng hạn, nếu xin lỗi ở trụ sở
UBND hay ở một hội trường nào đó thì trang trí thế nào, vị trí ngồi ra
sao, người bị oan (được xin lỗi) phải được bố trí ngồi ở vị trí trung
tâm, thể hiện sự trọng thị thế nào? Thứ tự phát biểu của đại diện cơ
quan tố tụng làm oan; phát biểu của người bị oan; đại diện gia đình
người bị oan; đại diện chính quyền địa phương… cũng phải được quy định
rõ ràng”.
Tổ chức một buổi lễ tuyên dương công trạng, người ta làm hoành tráng,
hoa tươi và ánh đèn, giải thưởng và tiệc tùng, vỗ tay và tung hô.
Còn đi xin lỗi thì càng nhanh gọn càng tốt.
Lê Chân Nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét