11/8/15

Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh!

Sơn La, một tỉnh nghèo ở Tây Bắc, đề nghị xây dựng Đề án tượng đài với kinh phí xấp xỉ 65 triệu đô la Mỹ – bằng nửa ngân sách chi tiêu của tỉnh này trong một năm. Trong khi đó, hàng năm tỉnh vẫn phải xin nhà nước hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Điều này đã gây bất bình trong dư luận và đặt ra không ít câu hỏi về các tượng Đài của Bác ở khắp nước ta hiện nay.
Với tấm lòng yêu kính và biết ơn Bác, Nhà nước chủ trương để lại dấu ấn của Người trên khắp cả nước, từ xây lăng, xây di tích và dựng tượng đài ở các tỉnh thành. Việc xây dựng tượng Bác để nhớ ơn là điều không có gì đáng nói, nếu như nó không đi ngược lại với tôn chỉ của Người. Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, người dân nhiều khu vực còn chưa được hưởng những khoản an sinh xã hội tối thiểu thì việc xây dựng tượng đài quá nhiều là điều cần phải suy xét.
tuong-dai-bac-ho-100815
Các lãnh đạo Sơn La cho rằng, việc xây dựng tượng đều “xuất phát từ tâm tư và nguyện vọng của nhân dân”. Song hầu như các cơ quan có trách nhiệm chưa hề hỏi ý kiến của dân và công bố kết quả điều tra dư luận xã hội về việc này. Điều này đã gây bức xúc rất lớn, khiến cho rất nhiều nguời phải lên tiếng.
Theo Giáo sư Mạch Quang Thắng – giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói: “Xây tượng đài hoành tráng không hợp với tấm lòng Bác cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam. Theo tôi điều quan trọng nhất lúc này hãy tập trung xây dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân”, còn PGS Nguyễn Trọng Phú – nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng chia sẻ: “Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống tiết kiệm, tự trồng rau, nuôi cá, ăn cơm độn giống nhân dân. Xây tượng đài tốn kém, Bác biết sẽ không an lòng”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Cuông – Nguyên Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa cũng cho rằng: “Bây giờ làm tượng Bác hoành tráng như thế giải quyết vấn đề gì? Hơn nữa, sinh thời Bác từng nói việc gì dù nhỏ nhưng có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Học Bác thì phải làm vậy. Tôi nghĩ Bác còn sống, Bác không bao giờ đồng tình cho việc làm này. Nếu có tình cảm đích thực với Bác thì học Bác, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ thì hãy cố gắng mà làm”.
GS.TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “sinh thời Bác không muốn làm cái gì rềnh rang tốn kém”. Còn GS. Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng: “việc xây dựng quá nhiều, tràn lan với mức đầu tư khổng lồ trong hoàn cảnh nhân dân còn nghèo là điều không nên và cần phải được xem xét lại cho phù hợp”.
Trong khi đó, đối với các tỉnh nghèo, người dân còn đang đói rách, trẻ con còn phải đi vồ cóc, bắt chuột làm thức ăn, muốn tới trường phải đu dây, đi cầu khỉ qua suối, những cái lều vịt được gọi là lớp học, là nơi bán trú… Thì việc xây ồ ạt quá nhiều tượng như vậy có lẽ sẽ đẩy Bác đi xa quần chúng và có phần làm mai một tình cảm của người dân với Bác.
Chúng ta sinh ra và lớn lên trong một đất nước hòa bình với lời dạy của cha ông về Bác, đó là một con người bình dị, khiêm tốn, tiết kiệm hết lòng vì nước vì dân. Điều này đã được Nhà thơ Tố Hữu viết trong bài “Bác ơi!”, sau khi Người ra đi:
“Một đời thanh bạch chẳng vàng son,
Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn”
 Và chính Bác cũng thể hiện điều đó trong di chúc để lại cho con dân Đất Việt của Người:
“Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. 
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó.
Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ để nghỉ ngơi.
 Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”
Có lẽ tới tận bây giờ, khi đã ngàn lần đọc chúc thư của Bác ta vẫn không khỏi nghẹn ngào và xúc động về những gì mà người cha già cả đời hy sinh vì nước, vì dân dặn dò hậu thế. Thế nên, mỗi người con dân đất Việt đã có một tượng đài bất diệt của Bác ở trong tim, Bác không bao giờ mất đi nhưng cái đói, cái nghèo của người dân vẫn còn quanh chân Bác. Vậy tại sao không dùng những khoản ngân sách ấy để đầu tư cho trường học, bệnh viện, đường xá cho toàn dân? Chắc chắn những việc làm như thế là điều hoàn toàn đúng với tâm nguyện của Bác.
Trong suốt máy chục năm qua, đất nước ta chủ trương “Học tập và làm theo tấm gương Bác”. Thế nhưng, cả nước có 134 tượng đài Bác, đến năm 2030 theo đề xuất và quy hoạch sẽ có thêm 58 tượng đài nữa. Mỗi công trình tượng đài này thường kéo theo hàng loạt các công trình phù trợ như: quảng trường, hệ thống chiếu sáng, vườn hoa … với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Nếu phân tích kỹ lưỡng, có thể thấy lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Tham nhũng dù sao cũng còn giữ lại đồng tiền, tài sản, cho dù nằm trong túi của kẻ tham nhũng. Tài sản đó được sử dụng, hoặc còn tồn tại để có thể thu hồi. Lãng phí thì không, là vô phương kiểm soát và không thể thu hồi.
Đã có nhiều người bị bắt vì có hành vi tham nhũng, nhưng không thể bắt kẻ có hành vi lãng phí. Ngày nào chưa trị lãng phí bằng pháp luật, quốc gia không thể giàu mạnh được. Chưa kể, lãng phí còn là chỗ ẩn mình của tham nhũng. Để tham nhũng được một, kẻ tham nhũng sẵn sàng phá mười.
Người Việt chúng ta có câu “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”, nhưng trong trường hợp này thì phải gọi là “Yêu Bác như thế bằng mười hại Bác”.
(Theo RFA Blog)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét