(Dân trí) - Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông
cho rằng đoàn kết có nghĩa là chung lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ
đất nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, vượt lên trên những sự
khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến...
>> Thư Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị 20 năm trước
Cách đây tròn 20 năm, vào ngày 9/8/1995, khi đang là Thủ tướng Chính
phủ, trước thềm Đại hội VIII, ông Võ Văn Kiệt đã viết bức tâm thư gửi Bộ
Chính trị nêu lên quan điểm của mình đồng thời khuyến nghị và cảnh báo
về một số vấn đề có tầm chiến lược đối với đất nước vào thời điểm lịch
sử đó.
Với hơn 10 ngàn chữ, bức tâm thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập
đến hầu hết mọi lĩnh vực căn cốt nhất của đất nước. Đó là đánh giá về
tình hình và cục diện thế giới, về vấn đề "trệch hướng" hay không "trệch
hướng" trong đường lối phát triển, về nâng cao năng lực quản lý nhà
nước và công tác xây dựng Đảng…
Hai thập kỉ đã trôi qua, những trăn trở về vận mệnh đất nước của vị Thủ tướng tài ba Võ Văn Kiệt Vẫn còn nguyên tính thời sự.
Đọc tâm thư của ông, càng kính trọng ông, một người yêu nước, một
chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhà quản lý đất nước năng động và
sáng tạo. Song điều ấn tượng nhất còn bởi ở ông là một trong những ngọn
cờ tiêu biểu của tinh thần hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết.
Nhớ lại cách đây 6 năm nhân ngày giỗ đầu của ông (11/6/2009), Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết về ông với những lời trân trọng nhất:
“Ông là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về
đại đoàn kết dân tộc và đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là
một cống hiến to lớn của Ông trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Nhớ lại những thời kỳ gian nan của cách mạng và kháng chiến cũng như
những lúc hiểm nghèo khi mới giành được độc lập, thống nhất, nhìn vào
những nhiệm vụ mà Ông gánh vác qua những bước thăng trầm của đất nước,
chúng ta càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng mang tính sống còn của
đại đoàn kết dân tộc đối với vận mệnh của Tổ quốc và càng hiểu Ông sâu
sắc hơn với tính cách là con người của đại đoàn kết dân tộc. Ông mang
lại cho đồng bào ta, gồm cả những người trước đây ở phía bên kia chiến
tuyến, lời kêu gọi đồng thuận, hướng về phía trước, cùng nhau xây dựng
khối đại đoàn kết dân tộc, tất cả vì một Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Ở đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ
niềm tin sâu sắc: Yêu nước không là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là
của tất cả mọi người Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có quyền và trách
nhiệm đóng góp cho đất nước. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cho
rằng đoàn kết có nghĩa là chung lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ đất
nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, vượt lên trên những sự khác
biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến. Mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những
hy sinh, mất mát không kể xiết của dân tộc ta để giành độc lập, thống
nhất, chúng ta càng thấm thía về đòi hỏi tất yếu phải đoàn kết hòa hợp
dân tộc, phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của khối
đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng
ta càng quý trọng tấm gương của đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt về đại
đoàn kết dân tộc”.
Chiến tranh đã gây nên những tổn thất to lớn cho gia đình ông. Một
người vợ cùng hai người con, một trai một gái, đã thiệt mạng khi quân
đội Hoa Kỳ bắn chìm tàu Thuận Phong trong một cuộc càn quét qua chiến
khu Củ Chi. Người con cả của ông là Liệt sĩ Phan Chí Dũng hi sinh ngày
29-4-1972 tại Sóc Trăng trong một lần đi trinh sát.
Thế nhưng chính ông lại là tác giả của câu nói nổi tiếng: "Một sự
kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà
cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần
được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...”.
Đúng như lời nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói ở trên:
“Ông là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại
đoàn kết dân tộc” bởi ông hiểu rằng “Đoàn kết đại đoàn kết, thành công
đại thành công” như lời của Hồ Chủ tịch.
Võ Văn Kiệt - Con người của đại đoàn kết dân tộc!
Bùi Hoàng Tám
0 nhận xét:
Đăng nhận xét