(Dân trí) - Đã có quá nhiều cán bộ tổ chức đám cưới cho con nhưng thực sự đó là một "thương vụ" làm ăn hơn là chuyện hôn lễ. Có những đám cưới người dự lên tới cả ngàn, tổ chức kéo dài nhiều ngày, ô tô đậu chật đường, thậm chí gây cản trở giao thông.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Những người đi dự đám cưới cũng xem đó là cơ hội để thể hiện tấm lòng
với cấp trên hoặc trả ơn, trả nghĩa sau những quan hệ lợi ích. Đưa tiền
lúc này quả là phù hợp, bên đưa an tâm vì không phải hành vi đưa hối
lộ, bên nhận coi như đó là quà cưới cho con mình, không có chi áy náy.
Cũng không ít trường hợp, chính ông, bà cán bộ nảy sinh "ý tưởng sáng
tạo", tổ chức kỷ niệm 10 năm, 20 năm, 30 năm ngày cưới của mình. Thế
là đàn em, bộ hạ có dịp chúc mừng và thể hiện. Cái mẹo gom tiền cũ rích
này nhưng xài rất hiệu quả. Ai cũng hiểu ý sếp muốn gì, cho nên chuyện
mừng kỷ niệm ngày cưới chỉ là cái cớ để đưa tiền không đỏ mặt.
Chuyện cái phong bì kín đáo giữa hai bên đã đành, còn thêm cái kiểu
lấy của công làm chuyện tư nữa mới đáng nói. Không ít nơi, lãnh đạo sử
dụng trụ sở cơ quan, trường học tổ chức đám cưới. Dư luận từng bàn tán
vụ bà Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh
Hoá tổ chức đám cưới của con tại cơ quan, xe biển số xanh đi dự đám
cưới như đi làm.
Ngoài sân của Viện Kiểm sát, 3 chiếc rạp đám cưới dựng lên như ở
nhà. Trong giấy mời dự đám cưới ghi “Tới dự bữa cơm thân mật, chung vui
cùng gia đình chúng tôi vào hồi 10h, ngày 31/10/2014 tại gia đình nhà
gái (Địa điểm đón tiếp: Tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện).
Cuối tháng 6 vừa qua, một cán bộ xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà
Bình dựng rạp tổ chức đám cưới cho con trước trụ sở xã, trong ngày làm
việc. Có thể do điều kiện ở vùng quê, tận dụng mặt bằng cơ quan để tổ
chức tiệc cưới, chẳng hại ai và cũng chẳng mất gì. Nhưng không thể lấy
của công sử dụng cho việc tư, nếu phá nguyên tắc này thì sinh ra những
cách lợi dụng của công khác còn nguy hại hơn.
Có trường hợp lợi dụng đám cưới con kiếm tiền trắng trợn hơn, đó là
phát thiệp mời cho rất nhiều doanh nghiệp trong địa phương, kể cả những
người không quen thân, chỉ quan hệ sơ giao, người nhận giấy mời ngạc
nhiên không hiểu mình “bị” mời vì lý do gì.
Để ngăn chặn "tệ nạn" cưới xin ma mãnh này, nhiều địa phương đề ra
các biện pháp khác nhau, riêng tỉnh Đăk Lăk, Tỉnh uỷ có Quyết định
09-QĐ/TU về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang,
lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu, bia
trước, trong giờ làm việc đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tỉnh
Đắk Lắk.
Quyết định nêu rõ các cán bộ, đảng viên tổ chức các nghi thức hôn lễ
phải tuân thủ theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình, thực hiện nếp
sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục,
truyền thống văn hóa. Không được sử dụng công quỹ, phương tiện của cơ
quan đi dự lễ cưới, tiệc cưới, không tổ chức tiệc cưới trong khuôn viên
cơ quan, công sở, trong sân trường học.
Khi tổ chức đám cưới cho con, cho bản thân hay người thân, số lượng
tham dự tiệc cưới không quá 350 người, trường hợp nhà trai và nhà gái tổ
chức tiệc cưới chung thì số lượng tham dự không quá 600 người.
Kể ra, việc nghiêm cấm sử dụng cơ quan, trường học tổ chức đám cưới
là đúng, nhưng quy định số lượng người dự đám cưới thì can thiệp vào
việc riêng của người khác. Tuy nhiên, đã là cán bộ, đảng viên thì phải
chấp hành, bởi vì mục quy định này cũng xuất phát từ mục đích tốt, xây
dựng nếp sống văn minh.
Có điều, đặt ra quy định nhưng có thực hiện được hay không mà thôi.
Lê Chân Nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét