Bà
Trần Tố Nga mắc nhiều căn bệnh do ảnh hưởng chất độc da cam thời chiến
tranh. Ở tuổi 73, bà vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện dioxin tại Pháp để
buộc các công ty hóa chất Mỹ bồi thường cho sức khỏe.
Tháng 5/2014, thông qua tòa án Pháp, 26 công ty hóa chất ở Mỹ nhận được
đơn khởi kiện đòi thừa nhận tác hại của chất độc hóa học họ đã cung cấp
cho quân đội Mỹ gây ra cho sức khỏe con người trong chiến tranh Việt
Nam những năm 1960-1970. Nguyên đơn là một phụ nữ Pháp gốc Việt, bà Trần
Tố Nga.
Bà Nga nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn
xã Việt Nam, bị nhiễm chất độc da cam trong thời kỳ kháng chiến. Giai
đoạn 1966-1970, bà sống và làm việc trong những vùng bị rải chất độc
nặng nhất ở miền Nam Việt Nam như Củ Chi, Bình Long, đường mòn Hồ Chí
Minh… Cả ba người con gái của bà đều nhiễm độc, trong đó con gái đầu đã
mất khi mới 17 tháng tuổi, hai người con và cháu ngoại của bà cũng mắc
nhiều bệnh do ảnh hưởng của dioxin.
Những năm sau giải phóng bà Nga tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Sau đó vì những cống hiến thúc đẩy mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam,
bà Nga được trao tặng Bắc đẩu Bội tinh. Bà định cư và nhập quốc tịch
Pháp. Vụ khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ của bà Nga diễn ra tại Tòa án
thành phố Evry, Cộng hòa Pháp, bởi bà hiện là công dân Pháp.
Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Khánh Ly.
Tháng 4 năm nay, vụ kiện bắt đầu các bước tố tụng, mở ra hy vọng cho
các nạn nhân da cam Việt Nam nói chung. Ở tuổi 73, dù biết quỹ thời gian
của cuộc đời mình không còn nhiều, bà Nga vẫn quyết tâm theo đuổi vụ
kiện đến cùng không chỉ cho bản thân mà vì quyền lợi chung của nạn nhân
da cam Việt Nam.
Bà Nga cho biết vụ kiện có những bước tiến khả quan dù rất khó nhận
định phiên tòa sẽ kéo dài đến bao lâu. Bà quan niệm mỗi một phiên tòa
diễn ra đã là một bước thắng lợi, bởi ít nhất vụ kiện đã thu hút sự quan
tâm của cộng đồng Việt Nam và quốc tế để họ hiểu hơn về nạn nhân da cam
Việt Nam. Hiện có 19 công ty hóa chất, trong đó có 2 công ty lớn sản
xuất, cung cấp hóa chất phục vụ quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam,
đã cử luật sư tham gia vụ kiện. Theo bà Nga, đó cũng là một bước thắng
lợi.
Bà Nga cùng 2 nhà làm phim người Mỹ trở về chiến khu xưa Tây Ninh, nơi bà từng gắn bó. Ảnh: Khánh Ly.
Có ba luật sư Pháp thuộc văn phòng luật sư Bourdon & Forestier đại
diện bảo vệ quyền lợi cho bà Tố Nga bao gồm các luật sư William Bourdon,
Bertrand Repolt và Amélie Lefebvre. Đặc biệt, luật sư William Bourdon,
dành nhiều tâm huyết cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất
độc da cam của Việt Nam, ủng hộ vụ kiện từ đầu, hỗ trợ bà Nga từ những
ngày chuẩn bị hồ sơ, hoàn thiện thủ tục pháp lý. Các luật sư hiện cùng
bà Tố Nga về Việt Nam đi thăm, tiếp xúc với nạn nhân chất độc da cam để
hiểu rõ và có những chi tiết đắt giá, xác thực, tăng sức mạnh cho quá
trình lập luận tại tòa án. Phiên tòa tiếp theo của vụ kiện dự kiến sẽ
diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP HCM
cho biết, hiện vụ kiện đang ở giai đoạn tranh tụng và nhận được sự quan
tâm của cộng đồng. Hội nạn nhân chất độc da cam và các tổ chức cá nhân
có liên quan đều ủng hộ tinh thần bà Nga tham gia vụ kiện.
Ông Thổ cho biết thêm, hiện nay TP HCM có khoảng 20.000 người bị nhiễm
và phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó 5.000 người từng là cựu chiến
binh. Một trong những nỗ lực của Hội là xây dựng làng Cam với diện tích
49.000 m2 tại quận Hóc Môn, mong muốn trở thành mái nhà chung cho trẻ em
bị nhiễm chất độc da cam không nơi nương tựa, chữa bệnh cho trẻ và đào
tạo, dạy nghề cho các em. Dự kiến làng Cam sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng một số nạn
nhân đại diện kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam. Tòa
án Mỹ bác đơn. Suốt 5 năm sau đó, đơn kiện của hàng nghìn nạn nhân chất
độc da cam Việt Nam trình lên ba cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án tối
cao liên bang Mỹ cũng đều đã bị bác với lý do không có trách nhiệm xem
xét.
Năm 2009, những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trên toàn thế
giới đã triệu tập một “Tòa án công luận quốc tế” ở Paris. Bà Trần Tố
Nga được mời đến làm nhân chứng, kể lại câu chuyện của bà và bi kịch của
cựu binh bị nhiễm chất độc da cam đang ngày đêm chung sống với bệnh
tật.
Vụ kiện năm ấy không có kết quả đáng kể, nhưng luật sư Pháp William
Bourbon rất xúc động. Ông vui mừng khi biết bà Nga mang quốc tịch Pháp
nên sẵn sàng giúp bà tiến hành vụ kiện. Nhưng chính vào lúc đó, luật
pháp Pháp có sự thay đổi, quốc hội không cho phép các thẩm phán tiến
hành tố tụng quốc tế. Họ đành tiếp tục chờ đợi. Năm 2013, các quyền hạn
về luật quốc tế của tòa án Pháp được tái lập. Bà Nga một mình tiếp tục
khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ và vụ kiện đang tiến hành các bước tố
tụng cho đến nay.
Bà Nga là nạn nhân chất độc da cam mang quốc tịch Pháp. Các luật sư
cho rằng đây là yếu tố may mắn, bởi việc bà mang quốc tịch Pháp cho
phép họ kiện các công ty hóa chất Mỹ ra tòa án Pháp với tham vọng đòi
một quyết định có tính pháp lý không phải chỉ cho bà Nga mà còn cho tất
cả nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
|
Khánh Ly
0 nhận xét:
Đăng nhận xét