29/11/15

TRÊN MỌI PHƯƠNG DIỆN - TRUNG QUỐC LUÔN LÀ KẺ ĐUỐI LÝ

Hoa đất
Tòa án trọng tài La Haye bác bỏ lập luận về chủ quyền của Trung Quốc

Cái lý của Trung Quốc đưa ra nhằm biện minh cho các hoạt động bành trướng nhằm độc chiếm Biển Đông thời gian qua nghe khá cũ kỹ. Từ các học giả có tiếng tăm đến đội ngũ lãnh đạo quốc gia này đều đồng nhất một lý lẽ rằng, Trung Quốc có chủ quyền đối với Biển Đông từ thời kỳ cổ đại và chính phủ nước này phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hàng hải của mình.

Ông Tập Cận Bình còn ngạo mạn đắc chí rằng, Trung Quốc hoan nghênh các quốc gia ngoài ASEAN có sự đóng góp tích cực đối với hòa bình và phát triển tại châu Á, đồng thời giải thích rằng, những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên Biển Đông là nhằm mục đích hòa bình.

Để ngụy biện cho hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Tập còn khẳng định rằng môi trường ổn định trên Biển Đông là “lợi ích chung của tất cả các nước châu Á”. Thực chất đây là những lập luận và dẫn chứng phi lý thiếu căn cứ khoa học.

Trong khi Việt Nam có đầy đủ các chứng lý phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế về chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì cách hành xử của Trung Quốc lại là ỷ vào sức mạnh để áp chế và lợi dụng khi Việt Nam gặp khó khăn thì tấn công chiếm đoạt kết hợp với việc đưa ra những cái gọi là chứng cứ không thể chối cãi theo kiểu “đánh lận con đen” đầy hài hước.


Từ thời cổ đại, phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc chưa vượt quá đảo Hải Nam chứ nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa. Khi lập luận như vậy họ cũng đã cố tình quên rằng cả nước Trung Hoa đã từng nằm dưới ách cai trị của người Mông Cổ từ năm 1271 đến năm 1368. Theo cách lý sự đó, người Mông Cổ hoàn toàn có thể đòi chủ quyền lịch sử đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Cho đến tận đầu thế kỷ XX, trong lúc phải đối phó với thực dân Anh, các cuộc khởi nghĩa yêu nước, chính quyền phong kiến Trung Quốc không biết gì và cũng không quan tâm đến Biển Đông mà tập trung vào việc cai trị và giữ yên chế độ toàn trị của mình. 

Thủy quân của nhà Thanh được xem là mạnh nhất vào thời điểm bấy giờ cũng chưa thể vươn tầm ra ngoài Biển Đông với ý tưởng độc chiếm các đảo nơi này. Nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đấy chỉ chăm chăm giữ “quyền lực” của mình, đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân mà chưa có suy nghĩ, động thái để độc chiếm Biển Đông. Bản đồ của Trung Hoa Dân quốc xuất bản năm 1916 và sách giáo khoa dạy học trò của họ vào thời ấy vẫn nói cực nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam. Cái mà ông Tập nhắc đi nhắc lại rằng, nếu nước này không thể hiện chủ quyền của mình với Biển Đông thì sẽ có lỗi với tổ tiên thực sự chỉ là những ví dụ hài hước mà thôi. Bởi vì thực sự rằng, Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền hợp pháp đối với Hoàng Sa và Trường Sa. 

Sau khi đã ký thông cáo chung Thượng Hải với Hoa Kỳ vào năm 1972 với những đổi chác vô cùng tệ hại trong toan tính chính trị của các nước lớn, năm 1974 lợi dụng tình thế chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đang trong giai đoạn vô cùng ác liệt, Trung Quốc đã cho quân đội tiến chiếm trái phép toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. 

Bộ mặt ăn cướp đã lộ rõ rằng, kẻ xấu bao giờ cũng nói lời ngon ngọt và không từ một thủ đoạn nào để đạt được lợi ích. Ngày 24-11, Tòa trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) cũng đã bác bỏ việc Trung Quốc đưa ra “chứng cứ” để khẳng định lập trường của mình. 

Như vậy, có thể khẳng định rằng, cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là sự ngụy biện phi lý của những kẻ lấy mạnh hiếp yếu mà thôi.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét