10/7/15

6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân - Ý nghĩa giáo dục sâu sắc, rộng lớn và bền vững

6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân - Ý nghĩa giáo dục sâu sắc, rộng lớn và bền vững

6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên về tư cách người Công an cách mệnh đã 65 năm… Những chuẩn mực đạo đức đó của người Công an cách mạng cho đến nay vẫn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bền vững và sức lan tỏa đặc biệt không chỉ trong lực lượng CAND mà trong toàn hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, công chức có thể soi vào nhiều điều trong 6 điều dạy của Bác để học tập, rèn luyện và hành động. 
65 năm qua, 6 điều Bác Hồ dạy luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân (CAND), giúp lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi thời kỳ cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Hướng tới lễ kỷ niệm và Hội thảo 65 năm lực lượng CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy mà Bộ Công an sắp tổ chức, Báo CAND trích đăng một số bài viết về chủ đề này của các tác giả trong và ngoài lực lượng CAND.
Năm 1948, Báo Bạn dân (Nội san của Công an Khu XII) ra số Tết Nguyên đán Mậu Tý. Đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII đã gửi số báo Tết đó biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng chí Hoàng Mai. Mở đầu bức thư, Người viết:
“Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói, từ 24 đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc.
Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.
Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách của người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tư cách người Công an cách mạng khi Đảng Cộng sản đã cầm quyền và Nhà nước cách mạng đã trải qua 3 năm xây dựng, phát triển và đang tổ chức sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của toàn dân tộc và xây dựng chế độ xã hội mới. CAND là lực lượng quan trọng trong bộ máy Nhà nước cách mạng góp phần vào sự nghiệp vẻ vang đó. Công an cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu xây dựng gắn liền với sự ra đời của Nhà nước cách mạng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Vì vậy, tư cách của người Công an cách mạng thống nhất về bản chất trong tư cách của người cách mạng, người cộng sản, người cán bộ, công chức của một Nhà nước cách mạng kiểu mới - Nhà nước phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cầm quyền mong muốn và quyết tâm xây dựng một Nhà nước cách mạng thật sự của dân, do dân, vì dân. Trên thực tế, Nhà nước đó đã làm được nhiều việc có lợi cho dân, song một số cán bộ, công chức đã có những lầm lỗi, khuyết điểm mà Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/10/1945 gửi Ủy ban nhân dân các cấp đã thẳng thắn chỉ ra như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Sau 2 năm cầm quyền, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, nêu rõ những nội dung về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều vấn đề về đạo đức cách mạng. Người đặc biệt nhấn mạnh Tư cách và đạo đức cách mạng, Tư cách của Đảng chân chính cách mạng với 12 điều cơ bản. Từ tư cách của một người cách mệnh đến tư cách của Đảng chân chính cách mạng là sự phát triển và thống nhất nhận thức, hành động trong tiến trình cách mạng để xây dựng một chế độ xã hội mới, bảo đảm thực hiện những mục tiêu cao cả của cách mạng…
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô (14/2/1961).
Mỗi một giai cấp, một lực lượng chính trị, một Đảng chính trị khi cầm quyền đều chú trọng xác lập nền tảng, chế độ kinh tế và xây dựng chế độ chính trị, kiến trúc thượng tầng thích hợp. Chế độ chính trị và kiến trúc thượng tầng đòi hỏi không ngừng hoàn thiện nhà nước, pháp luật, ý thức hệ và đạo đức. Đạo đức là một trong những hình thức sớm nhất của ý thức xã hội, là bộ phận quan trọng trong kiến trúc thượng tầng xã hội. Đạo đức là những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc, quốc gia, xã hội). Mỗi một giai cấp, dân tộc có những chuẩn mực phù hợp với giai cấp, dân tộc mình và phát triển cùng với các thời đại lịch sử. Người ta căn cứ vào các chuẩn mực đó mà đánh giá hành vi của mỗi cá nhân thành viên của xã hội theo quan niệm về thiện và ác, về những điều không được làm vì vi phạm đạo đức và những gì mà mỗi người phải làm, hợp với đạo đức. Khác với pháp luật, đạo đức không làm thành văn bản pháp quy có tính bắt buộc, mà mọi người tự giác thực hiện theo sự thôi thúc của lương tâm, lòng tự trọng và được kiểm soát bởi dư luận xã hội…
Chuẩn mực đạo đức của người Công an cách mạng thống nhất với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, công chức của Nhà nước, đồng thời thể hiện đặc điểm riêng của công tác Công an. CAND là lực lượng có nhiệm vụ cao cả, nặng nề là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, chống các thế lực phản động, thù địch và các loại tội phạm, giữ gìn ANQG và TTATXH. Nhiệm vụ đó không chỉ là bảo vệ mà còn có ý nghĩa xây dựng xã hội mới, tạo dựng đời sống xã hội tốt đẹp. Ở mỗi thời kỳ cách mạng, kể cả trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiệm vụ đó không hề giảm nhẹ, đòi hỏi người Công an cách mạng không ngừng nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên về tư cách người Công an cách mệnh đã 65 năm. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ CAND trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc và trong sự nghiệp xây dựng CNXH trên cả nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới, đã phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ lời dạy sâu sắc của Người. Những chuẩn mực đạo đức đó của người Công an cách mạng cho đến nay vẫn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bền vững và sức lan tỏa đặc biệt không chỉ trong lực lượng CAND mà trong toàn hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, công chức có thể soi vào nhiều điều trong 6 điều dạy của Bác để học tập, rèn luyện và hành động.
Khi nhận thức đạo đức như những chuẩn mực trong quan hệ giữa con người với nhau và với cộng đồng và được xã hội thừa nhận, trên thực tế đã làm nổi bật những quan hệ cơ bản trong đời sống chính trị xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu quan hệ nội tâm, nội tại (tự mình) của mỗi con người. Sự tự rèn luyện của mỗi cá nhân là đặc biệt quan trọng, vượt qua những cám dỗ, ham muốn, giữ vững lý tưởng cách mạng, niềm tin thật sự cần, kiệm, liêm, chính là điều căn bản đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an. Các mối quan hệ khác được Bác Hồ đề cập thật giản dị mà sâu sắc (với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với công việc, với địch). Những quan hệ đó không chỉ là cách ứng xử, mà còn là trách nhiệm công vụ, bản chất chính trị của CAND trong bộ máy Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam. Càng đọc, càng suy ngẫm về sáu điều Bác Hồ dạy CAND càng thấy sự thống nhất kỳ lạ giữa tư cách đạo đức với chức trách, nhiệm vụ, giữa tình và nghĩa, giữa nhận thức và hành động, giữa sự nghiệp lớn lao và những hành vi cụ thể. Sự thống nhất đó trong những điều Bác dạy đã làm sáng lên phẩm chất cao đẹp và cũng là niềm tự hào của CAND mà nhiều thế hệ đã phấn đấu hy sinh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
So với 65 năm trước, hiện nay cách mạng Việt Nam đã phát triển và lớn mạnh chưa từng có. Đất nước đã độc lập, thống nhất hoàn toàn và đi lên CNXH. Hơn một phần tư thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN, bảo vệ Tổ quốc và ANQG có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và diễn biến phức tạp của tình hình và quan hệ quốc tế. Phải chủ động phòng ngừa, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hoạt động cơ hội chính trị, các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí nóng, chống người thi hành công vụ. Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có CAND còn phải tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục thiên tai, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Với những nhiệm vụ nặng nề đó, càng đòi hỏi CAND, mỗi cán bộ, chiến sỹ thực hiện tốt hơn 6 điều Bác Hồ dạy trong thực tiễn công tác, chiến đấu.
Học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND trong tình hình hiện nay không tách rời nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã đề ra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI (1-2012) cho rằng: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Trung ương đã nêu rõ 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó vấn đề hàng đầu là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.
Để ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên; về công tác tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng như Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI đã đề ra.
Hiện nay, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy CAND cũng là góp phần thực hiện có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI. Nhớ lời Bác, trước hết đối với tự mình, mỗi một cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong lực lượng CAND cũng như trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm của mình tự rèn luyện, học tập, làm việc tốt nhất, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét