(Dân trí) - “Ngay cả tôi khi nghỉ hưu cũng sẽ
được hưởng lương hưu theo mức 10 năm cuối cùng “ăn” lương Bộ trưởng. Như
vậy chưa phải là hợp lý nhưng đó là một phần của lịch sử chính sách
tiền lương của chúng ta để lại”.
>> “Lương hưu “ăn theo” lương Bộ trưởng như tôi là không hợp lý”
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đó là phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội
Quốc hội Trương Thị Mai tại Hội thảo triển khai Luật Bảo hiểm xã hội và
hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế.
Lý giải điều này, bà Mai cho rằng đóng bảo hiểm là một quá trình với
các mức lương rất khác nhau. Vì thế, việc lấy chuẩn dù 5 năm hay 10 năm
cuối cũng là điều bất hợp lý, dẫn đến việc hoàn toàn có thể vỡ quỹ lương
vào năm 2034 theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.
Thực ra lý giải này không mới và không phải không ai biết. Song, nó
“độc đáo” bởi Bộ trưởng Mai đã lấy ngay chính việc hưởng lương của mình
ra làm ví dụ để từ chối “bổng lộc”, điều không dễ thấy ở Việt Nam ta.
Tại Hội thảo này cũng có một câu nói cảm thông đến xót xa của Phó Chủ
nhiệm UB Các vấn đề xã hội - TS. Bùi Sỹ Lợi khi ông Lợi chia sẻ: “Một
số người đặt vấn đề phải sửa Điều 60 vì thương người lao động nhưng đó
là xuất phát từ đặc thù của một bộ phận người lao động phía Nam mà chưa
nhìn thấy cảnh khổ của hơn 700.000 người lao động phía Bắc đã trải qua
chế độ “về một cục” theo Quyết định 176 trước đây. Giờ có rất nhiều
người rơi nước mắt muốn trả lại khoản tiền “một cục” đã nhận để đóng bảo
hiểm bổ sung cho đủ điều kiện được hưởng, dù chỉ mấy đồng lương hưu
hàng tháng, để không phải sống nhờ vào con cháu, không phải trông chờ
vào khoản trợ cấp xã hội mà không có cơ chế nào cho phép quay lại như
thế”.
Quyết định 176 ra đời năm 1989, ba năm sau Đổi mới. Khi đó, tình hình
kinh tế nước ta rất khó khăn. Để chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang
nền kinh tế thị trường, buộc nhà nước phải có những giải pháp mạnh và
Quyết định 176 thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc một lần, theo đó cứ
mỗi năm công tác liên tục được trợ cấp một tháng lương cơ bản cộng phụ
cấp (nếu có), tối thiểu là 3 tháng là một trong những giải pháp mạnh mẽ.
Đây là quyết định cần thiết bởi thời điểm đó, không còn giải pháp nào
tốt hơn. Tuy nhiên sau khi Đổi mới, kinh tế đất nước dần dần được hồi
phục rồi phát triển mạnh mẽ thì những người về theo diện 176 bị thiệt
thòi không nhỏ.
Đó là chưa kể so với những kẻ lợi dụng những khe hở của pháp luật,
không ít người đã khai man hồ sơ để được nghỉ hưu theo những qui định
sau đó thì những ai thực hiện theo Quyết định 176 càng thiệt thòi và cả
bất công.
Trở lại với việc tính lương bảo hiểm. Mình không phải con nhà tài
chính, kế toán và cũng không có chuyên môn trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng
nghĩ việc qui định thời hạn đóng bảo hiểm 20 năm được hưởng lương hưu
với mức lương những năm cuối là chưa hợp lý.
Lý do là bởi như thế một người đóng bảo hiểm 40 năm cũng sẽ bằng
(hoặc hơn chút đỉnh) người đóng bảo hiểm 20 năm, trong khi đó, thời gian
đóng bảo hiểm của họ gấp đôi.
Để công bằng, nên tính tổng số tiền đóng bảo hiểm để từ đó làm cơ sở
cho mỗi cá nhân cụ thể. Việc này không khó đối với kỹ thuật và công nghệ
hiện nay.
Xin đừng để người được hưởng cao cũng cảm thấy bất hợp lý như trăn
trở của Bộ trưởng Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và càng
không nên để rơi thêm những “giọt nước mắt” như những người từng hưởng
trợ cấp “một cục”.
Không biết các vị bộ trưởng khác có nghĩ tới những điều chưa hợp lý
như bà Mai và sẻ chia nỗi xót xa “rơi nước mắt” với người dân như ông
Lợi?
Bùi Hoàng Tám
0 nhận xét:
Đăng nhận xét